1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine đăng video "phá hủy chiến hạm Nga" năm 2022

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine đã đăng video phá hủy tàu đổ bộ Saratov của Nga tại thành phố Berdiansk cách đây một năm.

Ukraine đăng video phá hủy chiến hạm Nga năm 2022 - 1

Hình ảnh mà Ukraine mô tả là tàu chiến Nga bị phá hủy ở cảng Berdiansk (Ảnh: Pravda).

"Một năm trước, vào ngày 24/3/2022, lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào căn cứ của Nga ở cảng Berdiansk tạm thời bị chiếm đóng. Một số tàu đổ bộ lớn - Orsk, Caesar Kunikov và Novocherkask - bị hư hại và tàu Saratov bị phá hủy", Valerii Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, tuyên bố, đồng thời đăng tải đoạn video ghi lại vụ tấn công.

"Huyền thoại về sự bất khả chiến bại của hạm đội Nga đã bị đánh bại bởi các cuộc tấn công có độ chính xác cao của lực lượng vũ trang Ukraine. Điều này một lần nữa chứng minh một thực tế không thể phủ nhận: đối phương sẽ không thể có hòa bình trên lãnh thổ Ukraine, dù là trên đất liền hay trên biển", ông Zaluzhnyi tuyên bố.

Ukraine đăng video phá hủy tàu chiến Nga

Vào ngày 24/3/2022, tại cảng Berdiansk do Nga tạm thời kiểm soát, lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố phá hủy Saratov, một tàu đổ bộ lớn của Hạm đội Biển Đen Nga. Đám cháy đã lan sang các tàu khác gần đó.

Công ty Maxar Technologies của Mỹ đã công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu đổ bộ Saratov bị phá hủy. Ukraine cho biết Nga đã trục vớt con tàu bị chìm và gửi đến Crimea để sửa chữa.

Sau vụ tàu đổ bộ Saratov bị tấn công, vào ngày 14/4/2022, soái hạm Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen tiếp tục bốc cháy ngoài khơi cách thành phố cảng Odessa của Ukraine khoảng 90km. Moscow tuyên bố vụ cháy xảy ra do nổ kho đạn trên boong khiến con tàu hư hại nặng và tàu bị đắm khi được lai dắt về cảng. Tuy nhiên, phía Ukraine khẳng định đã bắn cháy con tàu bằng hai tên lửa hành trình Neptune.

Hạm đội Biển Đen đã chịu tổn thất đáng kể sau những sự cố làm soái hạm Moskva và tàu đổ bộ Saratov mất khả năng chiến đấu. Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá sức chiến đấu của Hạm đội Biển Đen của quân đội Nga không bị ảnh hưởng nhiều, kể cả sau các sự cố khiến hạm đội này mất soái hạm Moskva và tàu đổ bộ Saratov.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, thành phần Hạm đội Biển Đen hiện vẫn còn nhiều chiến hạm, bao gồm tàu ngầm, sau các vụ tấn công của Ukraine. Những chiến hạm còn lại này vẫn có khả năng giúp hải quân Nga bao quát hoạt động tại Biển Đen và thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu trên đất liền tại Ukraine.

Các chỉ huy quân sự Ukraine cho biết quân đội nước này đã được trang bị và triển khai các tên lửa chống hạm hiện đại Harpoon do phương Tây viện trợ. Số tên lửa này, cùng với các tên lửa Neptune có sẵn trong biên chế, sẽ đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phòng thủ bờ biển của Ukraine, nhất là khi hải quân Nga tập trung phong tỏa các cảng của Ukraine tại Biển Đen.

Sau khi được trang bị các tên lửa chống hạm, quân đội Ukraine đã đưa ra cảnh báo đối với các tàu chiến Nga, tuyên bố sẽ buộc hạm đội Nga phải giữ khoảng cách để tránh chịu chung số phận với các tàu từng bị Ukraine phá hủy.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine