1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

"Ukraine đang gần NATO hơn bao giờ hết"

Minh Phương

(Dân trí) - Mặc dù chưa được mời trở thành thành viên của NATO, nhưng Ukraine đang ở gần liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt hơn bao giờ hết, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói.

Ukraine đang gần NATO hơn bao giờ hết - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp gỡ các lãnh đạo NATO tại hội nghị của liên minh ở Lithuania ngày 12/7 (Ảnh: Getty).

"Ukraine đang ở gần NATO  hơn bao giờ hết. Tôi mong chờ một ngày chúng ta có thể gặp nhau như những đồng minh (của NATO)", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu hôm nay 12/7 trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ông Stoltenberg cũng vạch ra chương trình hỗ trợ trong nhiều năm cho Ukraine gồm 3 phần nhằm giúp Kiev ngày càng gần NATO hơn.

Kế hoạch này sẽ lập ra một hội đồng NATO - Ukraine mới, trong đó nhấn mạnh lại Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt và dỡ bỏ yêu cầu Kế hoạch hành động thành viên (MAP).

Người đứng đầu NATO cho biết: "Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là đảm bảo Ukraine có đủ vũ khí". Ông cũng nêu rõ: "Ukraine có quyền lựa chọn con đường của mình".

Về phần mình, Tổng thống Zelensky nói rằng việc Ukraine chưa thể gia nhập NATO vào lúc này "có thể hiểu được" nhưng sẽ tốt hơn nếu Kiev nhận được lời mời gia nhập liên minh. Ông đánh giá kết quả hội nghị thượng đỉnh NATO rất tích cực và việc Ukraine được "đặc cách" không cần tuân thủ MAP có ý nghĩa quan trọng.

Tại cuộc họp báo, ông Zelensky cho biết, Ukraine vẫn thiếu nghiêm trọng vũ khí tầm xa. Do vậy, ông sẽ đưa vấn đề này ra trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden.

Các lãnh đạo NATO đã nhóm họp trong hai ngày 11/7 và 12/7 để bàn một loạt vấn đề quan trọng, trong đó việc viện trợ cho Ukraine và triển vọng kết nạp Ukraine. Hội nghị có ý nghĩa lớn với Ukraine trong bối cảnh quân đội nước này đang tiến hành chiến dịch phản công nhằm giành lại lãnh thổ bị Nga kiểm soát.

Trong thông cáo sau ngày đầu hội nghị, lãnh đạo NATO khẳng định, Ukraine sẽ được mời gia nhập NATO "khi các nước thành viên đồng ý và các điều kiện được đáp ứng".

G7 đưa ra cam kết an ninh cho Ukraine

Cùng ngày, đại diện các nước công nghiệp phát triển G7 (Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) đã ký vào một tuyên bố chung khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine.

Tuyên bố chung nêu rõ, G7 sẽ hỗ trợ Ukraine đảm bảo năng lực phòng vệ, ngăn chặn các hành động thù địch của Nga trong tương lai bằng việc cung cấp cho Kiev trang thiết bị, vũ khí hiện đại, chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ huấn luyện. Ngoài ra, G7 cũng cam kết giúp Ukraine tái thiết đất nước.

Đổi lại, Ukraine phải cam kết tiến hành cải cách.

Điện Kremlin cảnh báo những đảm bảo an ninh mà phương Tây đang lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine sẽ là một sai lầm nguy hiểm ảnh hưởng đến an ninh của chính Nga và đặt châu Âu vào những rủi ro lớn hơn trong nhiều năm tới.

"Chúng tôi coi đây là sai lầm nghiêm trọng và rất nguy hiểm. Với việc cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine, những nước này sẽ phớt lờ nguyên tắc quốc tế và tác động đến an ninh của Nga. Họ cũng khiến châu Âu trở nên nguy hiểm hơn trong những năm tới", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm