Tổng thư ký NATO nêu phương án đẩy nhanh kết nạp Ukraine
(Dân trí) - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề xuất dỡ bỏ yêu cầu Ukraine phải tuân thủ Kế hoạch hành động thành viên (MAP) để đẩy nhanh tiến trình gia nhập liên minh.
Chia sẻ với các phóng viên trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva tuần này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nhà lãnh đạo NATO sẽ "gửi một tín hiệu rõ ràng và tích cực" tới Ukraine về mong muốn gia nhập liên minh quân sự này. Ông Stoltenberg gợi ý rằng Ukraine có thể bỏ qua một trong các rào cản để đẩy nhanh tốc độ gia nhập NATO.
Ông Stoltenberg đã đề xuất các quốc gia thành viên NATO "dỡ bỏ yêu cầu về Kế hoạch hành động thành viên (MAP)" đối với Kiev. Theo Tổng thư ký NATO, điều này sẽ thay đổi lộ trình gia nhập "từ quy trình hai bước thành quy trình một bước".
Ông Stoltenberg cho rằng, việc bỏ qua MAP là một trong ba yếu tố trong chương trình kéo dài nhiều năm được đề xuất cho Ukraine.
Một giải pháp khác là đưa Kiev xích lại gần tổ chức quân sự do Mỹ đứng đầu bằng cách đảm bảo "khả năng tương tác đầy đủ giữa lực lượng Ukraine và lực lượng NATO". Điều này đồng nghĩa với việc Kiev sẽ chủ yếu sử dụng vũ khí do phương Tây sản xuất.
Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, sau những trao đổi tích cực, các đồng minh NATO đã đồng thuận về việc dỡ bỏ yêu cầu Kiev phải tuân thủ MAP trong lộ trình gia nhập liên minh.
MAP là một chương trình hỗ trợ của NATO cho các nước có mong muốn gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt. Việc tham gia MAP không ảnh hưởng đến bất kỳ quyết định nào của liên minh về tư cách thành viên trong tương lai, nhưng đó có thể là một quá trình lâu dài.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cũng xác nhận, các thành viên NATO nhất trí bỏ yêu cầu MAP cho Ukraine trong lộ trình gia nhập khối.
Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra vào 11-12/7 và dự kiến sẽ bàn về triển vọng kết nạp Kiev. Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky những ngày gần đây hối thúc liên minh này đưa ra những tín hiệu rõ ràng tại hội nghị.
Các quan chức Ukraine, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky, đã kêu gọi NATO đưa ra cho Kiev một lộ trình cụ thể hướng tới việc gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Litva.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 11/7 cho biết, Mỹ và các đồng minh sẽ "đưa ra một thông điệp tích cực về tư cách thành viên trong tương lai của Ukraine ở NATO.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng tuy Ukraine sẽ không thể trở thành thành viên chính thức của NATO cho đến khi xung đột với Nga kết thúc nhưng Mỹ sẵn lòng đề nghị cung cấp cho nước này sự bảo đảm an ninh mà Mỹ đang dành cho Israel.
Ukraine từ lâu đã theo đuổi kế hoạch gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. NATO khẳng định luôn rộng cửa kết nạp Kiev, nhưng từ chối đưa ra một lộ trình cụ thể. Phần lớn thành viên của liên minh này lo ngại việc kết nạp Ukraine có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay cảnh báo: "Việc Ukraine gia nhập NATO sẽ kéo theo hệ quả vô cùng tiêu cực đối với kiến trúc an ninh châu Âu".
Ông Peskov một lần nữa nhấn mạnh, Nga coi Ukraine tìm cách vào NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và buộc Moscow phải có "phản ứng mạnh mẽ, kiên quyết".