1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội sớm đàm phán hòa bình với Nga?

Thanh Thành

(Dân trí) - Trong bài viết mới nhất đăng vào ngày 4/1, báo Wall Street Journal cho biết, Ukraine có thể đã bỏ lỡ cơ hội để sớm đàm phán với Nga cho một thỏa thuận hòa bình có lợi.

Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội sớm đàm phán hòa bình với Nga? - 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan phát biểu trước đoàn Nga và Ukraine tại cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul vào ngày 29/3/2022 (Ảnh: Getty).

Vài tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, các nhà ngoại giao của cả hai bên đã gặp nhau để đàm phán hòa bình. Sau đó thế giới biết đến vụ sát hại ở Bucha mà Nga và Ukraine cáo buộc nhau đã gây ra.

Trưởng đoàn đàm phán Ukraine, David Arakhamia, chỉ vào một chai gel khử trùng trên bàn được phủ một tấm vải trắng khi các phái đoàn hòa bình Nga và Ukraine tập trung tại Cung điện Dolmabahce ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. "Đó là thuốc sát trùng", ông Arakhamia nói với Trưởng đoàn đàm phán Nga, cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin, ông Vladimir Medinsky.

"À, tôi tưởng đó là vodka", ông Medinsky nói đùa đáp lại. Nói cười là vậy nhưng thực ra có rất nhiều căng thẳng đằng sau đó trong cuộc họp quan trọng vào ngày 29/3/2022.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleban đã công khai cảnh báo các nhà đàm phán Ukraine không nhận bất kỳ đồ uống nào từ người Nga và không chạm vào bất kỳ bề mặt nào nhằm tránh nguy cơ bị đầu độc. Suy cho cùng, lực lượng Nga vẫn ở cửa ngõ vào Kiev với mục tiêu nhanh chóng kiểm soát thủ đô của Ukraine.

Những gì thực sự xảy ra vào ngày quan trọng đó và ngay sau đó đã trở thành vấn đề bất đồng cơ bản giữa Ukraine, các quốc gia phương Tây và Nga. Cuộc họp ở Istanbul cũng nổi lên như một điểm bất hòa chính trong cuộc tranh luận của chính Mỹ về cuộc chiến, khi viện trợ không thể thiếu của Washington cho Ukraine vẫn bị đình trệ tại Quốc hội vì sự phản đối của đảng Cộng hòa. Lúc đó, một số người cho rằng, chính Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội vào thời điểm đó để kết thúc chiến sự. 

Cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà đàm phán Ukraine và Nga diễn ra vào ngày 28/2/2022 tại thành phố Gomel, Belarus, 4 ngày sau khi xe tăng Nga vượt qua biên giới Ukraine. Tại cuộc gặp đó, ông Medinsky đã đưa ra danh sách dài các yêu cầu của Điện Kremlin bao gồm việc thay thế chính quyền của Tổng thống Zelensky hay quân đội Ukraine phải bàn giao tất cả xe tăng và pháo binh cho Nga... 

Ông Mykhailo Podolyak, một trong những nhà đàm phán Ukraine, cố vấn của Zelensky, nhớ lại: "Chúng tôi đã lắng nghe họ và nhận ra rằng đây không phải những người được cử đến đàm phán mà là để thuyết phục chúng tôi đầu hàng". Tuy nhiên, để câu giờ, phía Ukraine vẫn đồng ý tiếp tục đàm phán.

Vào ngày 10/3, Ngoại trưởng Kuleba bay đến thị trấn nghỉ mát Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ để gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa quan chức đứng đầu ngành ngoại giao hai nước kể từ khi xung đột nổ ra. "Tôi đã hỏi ông Lavrov một câu đơn giản sau cánh cửa đóng kín ở Antalya: Bộ trưởng, ông muốn gì? Đó là tất cả những gì tôi muốn biết", Ngoại trưởng Kuleba nhớ lại.

Ngoại trưởng Lavrov không trả lời, thay vào đó đưa ra những cáo buộc thông thường của Nga rằng Ukraine đã trở thành một nước theo chủ nghĩa phát xít mới và muốn phá hoại nước Nga. Tuy nhiên, cuối cùng cả hai vẫn nhất trí xúc tiến cuộc đàm phán tiếp theo tại Istanbul.

Trong 19 ngày giữa cuộc gặp ở Antalya và cuộc đàm phán ở Istanbul, tình hình chiến trường đã thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Ukraine. Khắp xung quanh Kiev, các lực lượng Ukraine liên tiếp khiến cho các lực lượng Nga bất ngờ.

Xuyên suốt các cuộc đàm phán, vấn đề tư cách thành viên của Ukraine trong NATO là một phần quan trọng. Trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, Tổng thống Zelensky chỉ ra rằng Ukraine có thể từ bỏ giấc mơ gia nhập NATO để đổi lấy những đảm bảo an ninh mang tính ràng buộc từ phương Tây cũng như Nga. Các nhà đàm phán Kiev cũng cho thấy sự linh hoạt trước yêu cầu từ Moscow nhằm giảm quy mô quân đội Ukraine và đóng băng vấn đề ai kiểm soát bán đảo Crimea.

Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan khai mạc cuộc đàm phán ở Istanbul vào ngày 29/3, nhiệm vụ của phái đoàn đàm phán Ukraine là thuyết phục Nga rút quân về vị trí trước xung đột, đồng thời thể hiện thái độ cởi mở trong loạt vấn đề chủ chốt, với mục tiêu đạt thỏa thuận trước cuộc gặp theo dự kiến giữa hai vị Tổng thống Putin và Zelensky.

Yêu cầu chính của Nga, ngoài việc Ukraine không gia nhập NATO, còn là việc hạn chế khả năng tự vệ của nước này trong tương lai. Theo các tài liệu dự thảo sau đó Tổng thống Putin tiết lộ công khai, Moscow muốn lực lượng vũ trang Ukraine giới hạn ở mức 85.000 quân, 342 xe tăng và 519 khẩu pháo. Các nhà đàm phán Ukraine dường như đã chấp nhận điều đó, nhưng đưa ra đề xuất về đội quân gồm 250.000 binh sĩ, gần bằng mức trước xung đột, 800 xe tăng và 1.900 khẩu pháo.

Ngay khi hội nghị bắt đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đưa ra một thông báo gây ấn tượng từ Moscow: các mục tiêu chính của "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga nhìn chung đã được hoàn thành.

Vài giờ sau, ông Medinsky xuất hiện tại một cuộc họp báo ở Istanbul với tin tức còn đáng kinh ngạc hơn: các cuộc đàm phán diễn ra ngày hôm đó đã đạt được tiến bộ đáng kể và Moscow đã quyết định thực hiện các bước đi để giảm leo thang xung đột. Quân đội Nga bị tấn công bắt đầu rút khỏi khu vực Kiev và các khu vực khác ở miền bắc Ukraine.

Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội sớm đàm phán hòa bình với Nga? - 2

Cố vấn và nhà đàm phán của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak (giữa) phát biểu với các phóng viên sau cuộc đàm phán ở Istanbul ngày 29/3/2022 (Ảnh: Getty).

Theo phía Nga, các nhà đàm phán Ukraine ở Istanbul đã chấp nhận hầu hết những yêu cầu từ Moscow. "Trên thực tế, các thỏa thuận đã đạt được", Tổng thống Putin tuyên bố vài tháng sau đó. "Quân đội của chúng tôi đã rời khỏi trung tâm Kiev, để tạo điều kiện" cho các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm hoàn tất hiệp định hòa bình".

Tuy nhiên, Ukraine đã phản đối kịch liệt điều này. Theo ngoại trưởng Kuleba, không bên nào đưa ra cam kết ràng buộc ở Istanbul. "Không có thỏa thuận nào cả", ông nói và nhấn mạnh: "Tham gia đàm phán và cam kết về một điều gì đó là hai việc hoàn toàn khác nhau".

Sự kiện ở Bucha

Vào tối 29/3, khi các nhà đàm phán gặp nhau ở Istanbul và lên kế hoạch triệu tập vòng đàm phán tiếp theo, quân đội Ukraine đã tiến vào thị trấn Bucha gần Kiev. Những gì người Ukraine cho biết đã phát hiện ra ở đó đã khiến mọi người phải tranh cãi về những gì cả hai bên đã đạt được ở Istanbul.

Đó là một cảnh tượng kinh hoàng: hàng chục thi thể nằm mục nát dưới mưa trên phố Yablunska và các khu vực xung quanh thị trấn này. Một số nạn nhân bị mất tứ chi trong khi những thi thể khác nhìn rất thảm. Hơn 450 thường dân đã thiệt mạng ở Bucha. Giới chức Ukraine cáo buộc lực lượng Nga chịu trách nhiệm về vụ việc trong thời gian kiểm soát thị trấn Bucha trước khi rút lui vào cuối tháng 3/2022.

Khi các video được cho là quay tại Bucha lan truyền trên mạng xã hội, Tổng thống Zelensky cũng như hầu hết người Ukraine rất tức giận. Vì vậy, mặc dù các nhà đàm phán Ukraine và Nga vẫn giữ liên lạc và chỉnh sửa tài liệu được soạn thảo ở Istanbul vào tuần trước đó, Tổng thống Zelensky ra hiệu rằng những gì được phát hiện ở Bucha đã thay đổi mọi thứ.

"Những gì đã xảy ra ở đây là nạn diệt chủng", ông Zelensky nói với vẻ mặt nghiêm nghị trong chuyến thăm thị trấn - đánh dấu lần đầu tiên ông rời Kiev kể từ khi xung đột bùng nổ. "Thật khó để tiếp tục nói chuyện khi bạn chứng kiến những gì đã xảy ra ở đây", nhà lãnh đạo Ukraine nói.

Tuy nhiên, phía Nga phủ nhận hoàn toàn cáo buộc và cho rằng đây là những thông tin sai lệch do Kiev dàn dựng nhằm bôi nhọ Moscow, tạo cớ hành động. "Đó là một sự khiêu khích rõ ràng", Ngoại trưởng Nga nói. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố không một thường dân Ukraine nào ở thị trấn Bucha bị tổn hại. Ông Medinsky cáo buộc rằng Ukraine đã dàn dựng vụ việc ở Bucha.

Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội sớm đàm phán hòa bình với Nga? - 3

Tổng thống Zelensky tiếp đón Thủ tướng Anh Johnson đến Kiev hồi tháng 4/2022 (Ảnh: Getty).

Ngày 9/4/2022, Thủ tướng Anh Boris Johnson đến Kiev trở thành một trong những lãnh đạo phương Tây đầu tiên thực hiện chuyến thăm như vậy kể từ khi xung đột nổ ra. Trong cuộc nói chuyện, Tổng thống Zelensky không cần thuyết phục nhiều, Thủ tướng Johnson nhanh chóng chuyển sang những cách cụ thể mà Anh có thể hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ukraine, chẳng hạn như cung cấp vật tư quân sự.

Đó là bước nhỏ giọt đầu tiên trong làn sóng vũ khí ngày càng hiện đại của phương Tây đến Ukraine. Và tất nhiên cùng với điều này, các cuộc đàm phán trực tuyến giữa phái đoàn Nga và Ukraine đổ vỡ.

Tại Điện Kremlin, Tổng thống Putin cho rằng Washington, chứ không phải London, đã buộc ông Zelensky phải từ bỏ đàm phán với hy vọng khiến Nga kiệt sức trong một cuộc xung đột kéo dài.

Quan điểm mới của Tổng thống Zelensky, không thay đổi kể từ đó, là yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi tất cả các vùng đất của Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea, và truy tố các quan chức Nga bị cáo buộc "phạm tội ác chiến tranh".

Theo Wall Street Journal

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm