1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine có thể hy vọng gì nếu phương Tây cấp máy bay chiến đấu?

Thanh Thành

(Dân trí) - Các máy bay chiến đấu được cho là sẽ giúp Ukraine tăng cường năng lực tác chiến, nhưng khó mang lại lợi thế quyết định cho Kiev trong cuộc không chiến với các lực lượng Nga.

Ukraine có thể hy vọng gì nếu phương Tây cấp máy bay chiến đấu? - 1

Tiêm kích F-16 của Mỹ (Ảnh: AFP).

Cuộc chiến ở Ukraine sắp đánh dấu 1 năm bùng nổ. Và giống bất kỳ cuộc xung đột nào khác, trận chiến trên không đã trở thành cuộc tranh giành thế kiểm soát kéo dài và mang tính quyết định.

Đối với Ukraine, hiện đang chiến đấu ở thế phòng thủ, chiến thuật tốt nhất là câu giờ và chờ đợi bất kỳ cơ hội nào có được nhờ sự hỗ trợ ngày càng tăng của phương Tây để có thể biến nó thành một lợi thế quyết định trên chiến trường.

Với cách này, rõ ràng, việc chuyển giao thiết bị quân sự của phương Tây là chìa khóa cho sự kháng cự của Ukraine cho đến nay.

Trong tuyên bố cam kết mới nhất, các đồng minh Ukraine nhấn mạnh sẽ hỗ trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến như Leopard 2 của Đức và Abrams của Mỹ cho Kiev.

Nhưng giờ đây, đã có những câu chuyện bàn về khả năng Mỹ và các đồng minh có thể tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân được đánh giá là yếu kém của Ukraine bằng các máy bay chiến đấu F-16 hiện đại.

Bất chấp tuyên bố từ chối tại Washington, một số quốc gia khác đã mua F-16 cho biết sẵn sàng chuyển chúng cho Ukraine, bao gồm cả Ba Lan. Pháp cũng đã cam kết cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev.

Và một câu hỏi đặt ra là liệu những chiếc máy bay chiến đấu tiên tiến này có thể đóng vai trò gì trong cuộc không chiến khi xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ 2?

Vào tháng 2/2022, không ai nghi ngờ gì khi Lực lượng không quân Nga (VKS) tuyên bố sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế và khóa chặt mặt trận trên bộ của Ukraine cũng như tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự quan trọng.

VKS đã và vẫn là một trong những lực lượng không quân lớn nhất thế giới. Họ có hàng trăm máy bay chiến đấu tân tiến so với con số ít ỏi và già cỗi của Ukraine. VKS gần đây cũng đã có kinh nghiệm về các hoạt động không quân ở Syria.

VKS gần đây cũng đã bắt tay vào hiện đại hóa sâu rộng mà lẽ ra phải mở rộng vị trí dẫn đầu về kỹ thuật đối với Ukraine. Nhưng, trái ngược những kỳ vọng ban đầu, cho đến nay cuộc chiến trên không phận Ukraine vẫn còn nhiều tranh cãi.

Trong học thuyết quân sự phương Tây, việc thiết lập một biện pháp kiểm soát trên không là điều kiện tiên quyết để bảo vệ các lực lượng trên không và trên bộ.

Giành quyền kiểm soát bầu trời bằng cách loại bỏ các hạm đội máy bay chiến đấu của đối phương và hệ thống chỉ huy cũng như hệ thống phòng không trên mặt đất (cái gọi là "Sead", hoặc đàn áp hệ thống phòng không của đối phương).

NATO đã chứng minh học thuyết này có hiệu quả trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, trong đó một cuộc không kích kéo dài 38 ngày đã đánh sập hầu hết hệ thống phòng không của Iraq (và một phần lớn lực lượng mặt đất và trang thiết bị của nước này).

Chính điều này đã mở đường cho một chiến dịch trên bộ thành công và nhanh chóng đáng kinh ngạc sau đó. Chiến lược này cũng được áp dụng ở Nam Tư cũ vào những năm 1990.

Nhưng rõ ràng là bất chấp các chiến dịch gần đây ở Syria, lực lượng không quân Nga vẫn cho thấy chưa được trang bị tốt nhất cho các chiến dịch không quân phức tạp, quy mô lớn và hiệu quả.

Thay vào đó, hoạt động cường độ cao ban đầu của VKS kéo dài chưa đầy 1 tuần và nhanh chóng giảm dần thành các hoạt động ném bom và hỗ trợ mặt đất hạn chế và đơn giản.

Điều quan trọng là Ukraine đã kết hợp các loại tên lửa đất đối không (SAM) khác nhau để tạo ra một mạng lưới phòng không mạnh, chồng chéo. Điều này là nhờ có thêm các vũ khí do phương Tây cung cấp - bao gồm cả S-300 tầm xa của Slovakia, buộc máy bay Nga phải bay ở độ cao thấp hoặc có nguy cơ bị bắn hạ cao.

Ở mức độ thấp hơn, các hệ thống phòng không di động và rẻ tiền (MANPADS) như "Stinger" do Mỹ sản xuất đang tỏ ra hiệu quả trước các máy bay chiến đấu tầm thấp của Nga và - về bản chất - rất khó bị phát hiện và nhắm mục tiêu.

Điều quan trọng là các lực lượng Nga vận hành các hệ thống phòng không tương đương, dẫn đến bế tắc trên không và giao tranh khốc liệt trên bộ như đã thấy ở Bakhmut trong những tuần gần đây.

F-16 có thể không mang lại lợi thế quyết định

Nếu có thêm các thiết bị quân sự hiện đại từ phương Tây, Ukraine có thể tính đến việc chuyển sang thế tấn công chống lại các lực lượng Nga để tạo lợi thế trên không, theo các chuyên gia quân sự.

Vì vậy, các nước phương Tây gần đây đã thảo luận về việc chuyển giao máy bay chiến đấu đa năng F-16 cho Ukraine. Loại tiêm kích được mệnh danh là "Chim ưng chiến đấu" này được đưa vào phục vụ tại Mỹ vào năm 1978 và thường xuyên được nâng cấp kể từ đó.

Ukraine có thể hy vọng gì nếu phương Tây cấp máy bay chiến đấu? - 2

Một tên lửa dẫn đường chính xác của Nga (Ảnh: Khaleej Times).

Washington đã bán F-16 cho một số đồng minh NATO và ngoài NATO. Và những nước này có thể tìm cách cung cấp F-16 cho Ukraine khi họ thay thế hạm đội của mình bằng những chiếc F-35 mới. Trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như đã loại trừ việc gửi F-16 của Mỹ, những quốc gia khác thì không.

Là tiêm kích hiện đại, F-16 mới có đủ sức chống chọi các máy bay chiến đấu MiG-29 và Sukhoi Su-27 của Nga. Theo các chuyên gia quân sự, nó chính là sự bổ sung cực kỳ quý giá cho lực lượng không quân Ukraine và có thể tăng cường năng lực tấn công các mục tiêu mặt đất của Ukraine - bao gồm cả hệ thống phòng không của Nga. 

Nhưng bản thân F-16 không thể mang lại lợi thế quyết định.

Ukraine sẽ cần số lượng lớn F-16 cũng như nguồn cung cấp dồi dào các bộ phận thay thế. Điều quan trọng, Kiev cũng sẽ cần thời gian để huấn luyện các phi công sử dụng máy bay và vũ khí hiện đại.

Để thực hiện một chiến dịch không quân hiện đại theo kiểu NATO, Ukraine còn cần các phương tiện khác như máy bay tiếp dầu để mở rộng phạm vi bay của F-16 và tăng cường năng lực tấn công các vị trí trên bộ của đối phương cũng như các lực lượng ở xa phía sau chiến tuyến.

Quan trọng nhất, để nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu hiện đại, Ukraine cũng cần hiện đại hóa học thuyết tác chiến trên không và tiến gần hơn tới các nguyên tắc và chiến lược tinh vi hơn như các nước NATO đang sử dụng hiện nay.

Theo Asia Times