1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine cảnh báo đánh sập cầu huyết mạch Crimea

Thành Đạt

(Dân trí) - Một chỉ huy hải quân Ukraine tuyên bố Kiev sẽ phá hủy cây cầu huyết mạch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.

Ukraine cảnh báo đánh sập cầu huyết mạch Crimea - 1

Trực thăng chữa cháy dội nước lên đoàn tàu đang bốc cháy trên cầu Crimea trong vụ nổ ngày 8/10/2022 (Ảnh: AFP).

Trong cuộc phỏng vấn hôm 5/2, Tư lệnh Hải quân Ukraine Oleksii Neizhpapa tuyên bố "thời của cầu Crimea đã qua".

Ông Neizhpapa cảnh báo Ukraine có thể phá hủy cầu Crimea "trong năm nay".

"Tôi không nghĩ chúng ta phải chờ đợi lâu. Chắc chắn là trong năm nay", Tư lệnh Hải quân Ukraine tuyên bố.

Ông Neizhpapa không nói rõ Ukraine sẽ thực hiện kế hoạch trên như thế nào.

Cầu Crimea được xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018 và là tuyến đường sắt và đường bộ duy nhất nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.

Tuy nhiên, Moscow đã mở một hành lang trên bộ rộng lớn tới Crimea sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng ở Ukraine vào mùa thu năm 2022.

Sau khi bùng nổ xung đột giữa Nga và Ukraine, nhiều quan chức và chỉ huy Ukraine, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky, đã đe dọa phá hủy cầu Crimea, cho rằng cây cầu này rất quan trọng đối với quân đội Nga.

Cầu Crimea, dài 18km, đã nhiều lần trở thành mục tiêu của tên lửa và máy bay không người lái của hải quân Ukraine, nhưng Nga tuyên bố hầu hết các cuộc tấn công đều bị đẩy lùi.

Vào tháng 10/2022, một xe tải chở đầy chất nổ đã phát nổ khi đang di chuyển dọc cầu, khiến 3 người thiệt mạng và gây hư hại. Nga phải mất nhiều tháng mới có thể sửa chữa xong công trình này.

Vào tháng 7 năm ngoái, một xuồng không người lái đã phát nổ dưới một trong các nhịp cầu, khiến hai người thiệt mạng.

Khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả cuộc tấn công là "tàn bạo" và vô nghĩa từ góc độ quân sự, đồng thời giải thích rằng cây cầu không còn được sử dụng để vận chuyển thiết bị chiến đấu và đạn dược.

Trước đó, cầu Crimea được xem là tuyến tiếp tế hậu cần chiến lược của Nga ở chiến trường miền Nam Ukraine. 

Trước những vụ tấn công liên tiếp nhằm vào cầu Crimea, Moscow huy động nhiều biện pháp nhằm bảo vệ công trình huyết mạch này.

Theo tình báo phương Tây, ngoài các biện pháp bảo vệ sẵn có, Nga được cho đang sử dụng nhiều chiến thuật mới để ngăn chặn các vũ khí tấn công cầu Crimea.

Nga sử dụng thiết bị tạo khói, trong một nỗ lực khiến cây cầu trở thành mục tiêu khó tấn công hơn.

Khói ngụy trang có tác dụng cản trở đối phương quan sát mục tiêu. Ngoài ra, các đám khói này cũng có các chất hóa học có khả năng làm các thiết bị quang điện bị giảm khả năng hoạt động, từ đó khiến các vũ khí có khả năng tấn công chính xác cao bị giảm hiệu quả nhằm vào mục tiêu.

Ngoài ra, Nga sử dụng các hệ thống phòng không như S-300, S-400 để đối phó máy bay không người lái, tên lửa hành trình nhằm vào cây cầu.

Nga cũng huy động các hệ thống rào chắn nổi - thiết bị thường dùng để kiểm soát dầu loang - như một biện pháp ngăn chặn các xuồng không người lái tự sát lao tới cây cầu. 

Tương tự lưới chống ngư lôi, hệ thống rào chắn trên biển là các rào cản vật lý hoặc lưới vây quanh các mục tiêu cần bảo vệ trên biển, cửa vào cảng, eo biển khỏi nguy cơ bị tấn công.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm