1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine: Binh sỹ, máy bay Nga ồ ạt đổ vào Crimea

(Dân trí) - Lực lượng biên phòng Ukraine cho biết binh sỹ và máy bay Nga đã ồ ạt đổ vào Crimea vào ngày hôm nay 3/3, vi phạm các thỏa thuận giữ hai nước.

Kiev cáo buộc Nga đang đổ thêm quân vào vùng tự trị Crimea của Ukraine.

Kiev cáo buộc Nga đang đổ thêm quân vào vùng tự trị Crimea của Ukraine.

Lực lượng biên phòng Ukraine ra tuyên bố cho biết, trong vòng 24 giờ qua, 10 trực thăng chiến đấu Nga và 8 máy bay quân sự chở hàng đã hạ cánh xuống điểm nóng bên bờ Biển Đen, vùng tự trị Crimea ở miền nam Ukraine, trong khi tàu chiến Nga đã ở trong cảng Sevastopol kể từ ngày thứ bảy.

Kiev đã không nhận được thông báo nào liên quan đến việc triển khai quân này, mặc dù luật quốc tế liên quan đến hạm đội Hắc Hải Nga đóng ở Crimea quy định.

Theo những thỏa thuận này, Ukraine phải được nhận thông báo về mọi hoạt động di chuyển quân trước 72 giờ.

Crimea, nơi đồn trú của các đơn vị hải quân Nga từ thế kỷ 18, hiện đã bị lực lượng Nga và chiến binh địa phương thân Nga, kiểm soát. Trước đó, họ đã bao vây nhiều căn cứ quân sự của Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Igor Tenyukh cáo buộc Nga đưa thêm 6.000 binh sỹ vào Crimea. Vào ngày thứ bảy vừa qua, quốc hội Nga đã bật đèn xanh cho Tổng thống Putin triển khai quân tới Ukraine, đẩy cuộc khủng hoảng có nguy cơ leo thang thành cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Theo tờ The Guardian của Anh, lính Nga đã chiếm một bến phà ở điểm cực đông của Crimea, tại thành phố Kerch và xe bọc thép của Nga đang xếp hàng dài bên bờ phía Nga của Kênh Kerch, cách Nga khoảng 20 km.

Bất chấp cuộc khủng hoảng ở Crimea, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã hạ lệnh xây dựng một cây cầu nối Nga và Crimea.

Trong khi đó, cựu Tư lệnh Hải quân Ukraine, người đã bỏ sang phía lực lượng thân Nga một ngày sau khi được Tổng thống tạm quyền Ukraine bổ nhiệm, đã thuyết phục các binh sỹ khác bỏ theo ông trong một cuộc họp bất thường vào sáng nay.

Đức, Pháp, Anh hiện đang nỗ lực làm trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, có thể thông qua Tổ chức an ninh và hợp tác ở châu Âu.

Chính phủ Anh loại trừ hành động quân sự song đang xem xét hàng loạt trừng phạt, gồm kéo dài thời gian cấp visa cho các doanh nhân Nga, trước việc Nga đưa quân vào Ukraine.

Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, phát biểu trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva, cho biết quyết định cho phép đưa quân Nga vào Ukraine là nhằm ngăn chặn những kẻ cấp tiến dùng vũ lực ở Ukraine và hỗ trợ hòa giải. Ông cũng kêu gọi các bên ủng hộ thỏa thuận ngày 21/2 về cải cách hiến pháp giữa ông Viktor Yanukovych và các lãnh đạo đối lập.


Vũ Quý

Theo AFP, Guardian