1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine bác cáo buộc "bom bẩn", cảnh báo Nga về vũ khí hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine bác bỏ cáo buộc của Nga rằng Kiev có thể sử dụng "bom bẩn" trong cuộc xung đột hiện nay, đồng thời cảnh báo Moscow về vũ khí hạt nhân.

Ukraine bác cáo buộc bom bẩn, cảnh báo Nga về vũ khí hạt nhân - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh hôm 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Moscow lo ngại Ukraine có thể sử dụng "bom bẩn" trong cuộc xung đột hiện nay. Tuy nhiên, ông Shoigu không đưa ra bằng chứng cụ thể để chứng minh cáo buộc này.

Bom bẩn là loại vũ khí sử dụng thuốc nổ thông thường có tẩm chất phóng xạ. Mặc dù bom bẩn không thể so sánh với đầu đạn hạt nhân về sức tàn phá, nhưng loại vũ khí này có thể phát tán một đám mây bức xạ với bán kính vài km sau khi phát nổ.

Trong bài phát biểu hôm 23/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố "bất cứ nơi nào Nga mang đến thương vong và suy thoái", thì ở nơi đó Ukraine đều đang "trở lại cuộc sống bình thường". Ông Zelensky cáo buộc chỉ Nga mới có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi thế giới phản ứng "theo cách cứng rắn nhất có thể" trước "động thái leo thang mới" của Nga.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cũng bác bỏ cáo buộc Nga về bom bẩn, cho rằng đây là cáo buộc "vô lý và nguy hiểm".

"Ukraine là một thành viên NPT (hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân). Chúng tôi không có bất kỳ "bom bẩn" nào và cũng không có kế hoạch mua bất kỳ quả bom nào như vậy", ông Kuleba nhấn mạnh.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Anh về cuộc trao đổi giữa người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace và người đồng cấp Nga Shoigu, Moscow "cáo buộc Ukraine đang lên kế hoạch cho các hành động được các nước phương Tây, bao gồm Anh, hậu thuẫn để leo thang xung đột ở Ukraine". Bộ trưởng Quốc phòng Wallace "bác bỏ những tuyên bố này", đồng thời cảnh báo ông Shoigu rằng "những cáo buộc như vậy không nên được sử dụng như một cái cớ cho hành động leo thang xung đột lớn hơn".

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo bất kỳ hành động nào của Nga nhằm sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine đều dẫn đến "hậu quả nghiêm trọng" cho Moscow, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết về điều này. Đồng thời, ông nhận định nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công như vậy của Nga vẫn ở mức thấp.

Phương Tây nhận định mối đe dọa hạt nhân ở Ukraine tăng lên gần đây, đặc biệt sau khi Nga cho sáp nhập 4 vùng ly khai của Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 6/10 cảnh báo, thế giới đang đối mặt với mối đe dọa hạt nhân lớn nhất kể từ năm 1962. 

Tổng thống Vladimir Putin ngụ ý có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu "toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa". Tổng thống Ukraine cho rằng cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân của ông Putin "có lẽ không phải là một lời nói suông, mà có thể trở thành sự thật".

Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng ở Nga, "vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên những cơ sở được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân". Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của Nga, hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine