1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lãnh đạo EU cảnh báo Nga nếu dùng vũ khí hạt nhân tại Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Moscow phản pháo sau khi nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu Josep Borrell cảnh báo nguy cơ quân đội Nga có thể "bị hủy diệt" nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Lãnh đạo EU cảnh báo Nga nếu dùng vũ khí hạt nhân tại Ukraine - 1

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (Ảnh: AA).

AFP đưa tin, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 13/10 cảnh báo Nga rằng, quân đội của nước này có thể sẽ "bị hủy diệt" bởi đòn đáp trả quân sự của phương Tây nếu Moscow quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân đối phó với Ukraine.

"(Tổng thống Nga Vladimir) Putin nói là ông ấy không hù dọa. Và phải rõ ràng rằng những người ủng hộ Ukraine và Liên minh châu Âu, Mỹ và NATO cũng không hù họa. Bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào nhằm vào Ukraine cũng sẽ có câu trả lời, không phải là câu trả lời (bằng khí tài) hạt nhân, nhưng sẽ là câu trả lời mạnh mẽ từ khía cạnh quân sự đủ để quân đội Nga sẽ bị hủy diệt", ông Borell nói.

Phương Tây trong thời gian qua bày tỏ lo ngại về khả năng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, sau khi ông Putin tuyên bố sẽ sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Nga.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo Nga sẽ phải đối diện với hậu quả nghiêm trọng nếu tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào Ukraine.

"Chúng tôi không nêu rõ cách đáp trả nhưng chắc chắn nó sẽ thay đổi bản chất của cuộc xung đột. Ngay cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ hơn cũng sẽ có hậu quả rất nghiêm trọng", ông Stoltenberg cho biết.

Mỹ và NATO trong thời gian qua đã nêu quan điểm rõ ràng rằng họ không phải là một bên tham gia trực tiếp trong cuộc xung đột ở Ukraine vì lo ngại nguy cơ cuộc khủng hoảng sẽ lan rộng.

Sau lời cảnh báo từ ông Borell, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, bình luận của quan chức EU về khả năng Moscow dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine chỉ là sản phẩm của "ảo tưởng".

Ông Medvedev đồng thời nhận định, phát biểu của ông Borell dường như cho thấy các nước phương Tây chưa sẵn sàng hỗ trợ hết mình cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.

Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố Moscow không đe dọa ai bằng vũ khí hạt nhân và không ngừng cảnh báo phương Tây về những rủi ro khi can thiệp vào vấn đề Ukraine và đề nghị Mỹ tránh để xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với Nga.

Trong khi đó, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ Charles Richard cảnh báo, Washington đang đối mặt với kịch bản có thể xảy ra một cuộc chiến hạt nhân với đối thủ ngang hàng.

Căng thẳng giữa 2 quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới là Nga và Mỹ đang leo thang dồn dập kể từ sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.

Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của nước này hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.

Mặc dù vậy, cả Nga và Mỹ đều từng khẳng định trước đó rằng, cuộc chiến hạt nhân là không thể thắng và không bao giờ nên xảy ra.

Theo AFP, Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine