1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Úc xác nhận tín hiệu được phát hiện phù hợp với tín hiệu hộp đen

(Dân trí) - Trước thông tin một tàu của Trung Quốc phát hiện tín hiệu nghi của hộp đen máy bay trong lúc tìm kiếm chuyến bay MH370, giới chức Úc đã xác nhận sự tương đồng của tín hiệu này. Dù vậy, cả thủ tướng Úc và Bộ trưởng quốc phòng đều tỏ ra thận trọng.

Trước đó, hôm thứ Bảy, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin khẳng định thiết bị phát hiện hộp đen máy bay trên tàu tìm kiếm của mình đã thu được tín hiệu ở tần số 37,5 kHz.

Mô phỏng cách thức tìm kiếm hộp đen sử dụng thiết bị định vị được kéo bằng tàu
Mô phỏng cách thức tìm kiếm hộp đen sử dụng thiết bị định vị được kéo bằng tàu

Theo công ty hàng không Honeywell, đơn vị sản xuất các hộp đen trên chiếc máy bay mất tích, thì bộ phát tín hiệu âm thanh dưới nước của cả thiết bị ghi âm buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay đều hoạt động ở tần số này.

Cựu tư lệnh không quân Úc Angus Houston, người đứng đầu Trung tâm điều phối các cơ quan hỗn hợp (JACC), thì xác nhận những đặc điểm của tín hiệu được phía Trung Quốc thông báo “phù hợp với hộp đen máy bay”.

Một số vật thể màu trắng cũng được nhìn thấy nổi trên mặt nước, cách khu vực phát hiện tín hiệu khoảng 90km, ông Houston nói. Dù vậy, ông cảnh báo: “Tại thời điểm này, vẫn chưa thể xác nhận rằng các tín hiệu và vật thể đó có liên quan tới máy bay mất tích”.

Trong thông báo được phát đi hôm nay, JACC tái khẳng định các tín hiệu trên chưa được kiểm chứng.

Thủ tướng Úc Tony Abbott thì cho biết ông “hy vọng” một cách thận trọng, bởi đây là “chiến dịch tìm kiếm khó khăn nhất trong lịch sử loài người”.

“Chúng ta đang tìm kiếm một chiếc máy bay ở đáy một vùng biển rất sâu, trong một khu vực tìm kiếm rất rộng lớn”, ông Abbott phát biểu với các phóng viên tại Tokyo, trong khi bắt đầu chuyến công du Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

“Dù những bộ óc xuất sắc nhất, những công nghệ tốt nhất thế giới sẽ được triển khai, chúng ta cần rất thận trọng về việc đi tới những kết luận chắc chắn một cách quá sớm”, ông Abbott nói.

Trong ngày hôm nay, 10 máy bay quân sự, 2 máy bay dân sự và 13 tàu sẽ rà soát vùng nước nghi vấn, gần một tháng sau khi chiếc máy bay mang theo 239 người trên khoang biến mất trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh hôm 8/3.

Cuộc tìm kiếm sẽ tập trung vào khu vực rộng 216.000 km2 trên Ấn Độ Dương, cách thành phố Perth của Úc chừng 2000 km về phía Tây Bắc.

“Rất nghi ngờ” thông tin của Trung Quốc

Theo Tân Hoa Xã, tàu Hải Tuần 01 đã thu được xung điện tại vị trí khoảng 25 độ vĩ độ Nam và 101 độ kinh độ Đông.

Phạm vi tìm kiếm máy bay mất tích và chấm đỏ là nơi nghi phát hiện tín hiệu hộp đen
Phạm vi tìm kiếm máy bay mất tích và chấm đỏ là nơi nghi phát hiện tín hiệu hộp đen

Úc đã đề nghị Trung Quốc cung cấp thêm thông tin, ông Houston nói, và đang cân nhắc điều thêm phương tiện tìm kiếm tới khu vực này.

Giới chức Trung Quốc cũng cảnh báo rằng tín hiệu này vẫn chưa thể được nhận dạng. “Tín hiệu xung điện nghi vấn được Hải Tuần 01 ghi nhận chưa được nhận dạng”, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Trung Quốc thông báo.

Bộ trưởng quốc phòng Úc David Johnston cũng bày tỏ thái độ thận trọng. “Đây không phải lần đầu tiên chúng ta được biết về một thứ gì đó, mà hóa ra lại rất đáng thất vọng”, ông Johnston phát biểu trên kênh truyền hình ABC của Úc.

Trong khi đó, ông Anish Patel, chủ tịch hãng sản xuất bộ phát tín hiệu hộp đen Dukane Seacom của Mỹ thì cho biết “rất nghi ngờ” thông báo của phía Trung Quốc.

“Tôi muốn biết vì sao không phải 2 tín hiệu – lẽ ra phải có một xung điện thứ hai từ hoặc bộ ghi dữ liệu chuyến bay hoặc bộ ghi âm buồng lái. Nếu các bộ ghi này nằm cạnh nhau hoặc trong khoảng cách hợp lý…chúng lẽ ra phải được phát hiện là 2 tín hiệu”, ông Patel nói.

“Do đó, hãy bổ sung thêm phương tiện tại vùng biển đó để chúng ta có thể chứng thực, trước khi khiến mọi người hy vọng, trước khi chúng ta làm các gia đình thất vọng một lần nữa, tôi nghĩ chúng ta cần chứng thực”.

Nhưng giáo sư hải dương học Charitha Pattiaratchi thuộc đại học Tây Úc thì tin rằng thông tin này thật hấp dẫn. “35,7 kHz là âm thanh nhân tạo. Không có âm thanh nào khác ở tần số đó”, ông Pattiaratchi nói, và cho biết thêm đó là lí do vì sao tín hiệu hộp đen được thiết lập ở tần số này. “Một con cá voi hay cá heo hoặc mưa, động đất dưới mặt nước…đều phát ra âm thanh ở tần số hoàn toàn khác”.

Thanh Tùng
Theo AFP, BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm