UAV sát thủ trên không của Nga phá hủy loạt khí tài "khủng" của Ukraine
(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, UAV tự sát Lancet của Nga đang đặt ra bài toán khó cho Ukraine khi nó phá hủy nhiều khí tài quân sự của đối thủ nhưng Kiev chưa có cách hóa giải.
Forbes đưa tin, UAV tự sát Lancet của Nga đang gia tăng các vụ tấn công nhằm vào khí tài quân sự Ukraine trong thời gian qua. Khác với UAV tầm xa Geran-2 (phương Tây và Ukraine nghi là Shahed-136 do Iran sản xuất) mà Nga chuyên dùng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của phía Kiev, Lancet được sử dụng trên chiến trường nhằm vào mục tiêu quân sự đối thủ.
Phiên bản Lancet đang được triển khai ở Ukraine là Lancet-3M, nặng 15kg, tốc độ khoảng 112km/h. Một camera ở mũi UAV cho phép người điều khiển tìm kiếm và xác định mục tiêu, sau đó Lancet tăng tốc và bổ nhào với tốc độ 305km/h để tấn công bằng đầu đạn xuyên giáp nặng 5kg. Phạm vi tấn công tối đa của Lancet vào khoảng 40km, và các mục tiêu thường được định vị bằng máy bay không người lái trinh sát trước khi Lancet được phóng ra.
Trong thời gian qua, hình ảnh tình báo chiến trường cho thấy Lancet đã phá hủy hàng loạt mục tiêu có giá trị của Ukraine trên chiến trường như pháo kéo, pháo tự hành, bệ phóng tên lửa đất đối không và phương tiện radar, cùng với trạm chuyển tiếp vô tuyến dùng để điều khiển UAV. Ngoài ra, Lancet cũng tấn công và phá hủy xe tăng, thiết giáp chở quân và thiết giáp hạng nhẹ của đối thủ.
Theo Forbes, Lancet được xem là một trong những vũ khí tấn công hiệu quả cao nhất trong kho vũ khí Nga vào lúc này khi nó chuyên phá hủy mục tiêu giá trị cao với độ chính xác lớn ở khoảng cách xa.
Ukraine hiện chưa tìm được cách hóa giải sự nguy hiểm của UAV này. Các loại pháo phòng không tự hành như Gepard 30mm do Đức cung cấp phát huy hiệu quả nhưng chỉ khi chúng xuất hiện đúng nơi, đúng thời điểm vì chúng có tầm bảo vệ không rộng. Mặt khác, số lượng pháo Gepard mà Ukraine hiện sở hữu không đủ để bao phủ toàn bộ chiến tuyến.
Nga bắt đầu hiện đại hóa Lancet từ giữa năm nay, nâng thời gian bay lởn vởn của UAV này lên một giờ đồng hồ. Ngoài ra, ZALA Lancet hiện được trang bị đầu đạn phân mảnh có sức nổ mạnh. ZALA Lancet được sử dụng cho cả nhiệm vụ trinh sát cũng như tấn công. Với tầm bắn khoảng 40km, nó có các mô-đun tình báo, điều hướng và liên lạc.
Ngoài ra, hồi đầu tháng, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng nhà nước Nga Rostec cho biết, Moscow đã trang bị cho UAV tự sát Lancet do nước này chế tạo một công nghệ giúp nó trở nên miễn nhiễm với các vũ khí đánh chặn bằng tia laser.
UAV này được đặt tên là "Lancet", tức là "dao mổ", vì khả năng tấn công mục tiêu chính xác cao như "trong một cuộc phẫu thuật".
Theo nhà sản xuất, Lancet có nhiều lợi thế so với các vũ khí khác. Thứ nhất, nó hoạt động theo cơ chế "bay lảng vảng", tức là luôn được triển khai trên không và sẵn sàng tấn công mục tiêu bất cứ lúc nào, kể cả mục tiêu di động như HIMARS. Điều này giúp tiết kiệm thời gian trong một cuộc chiến thực sự. Thứ 2, nó khá nhỏ, nhẹ nên nó gần như "tàng hình" trước radar phòng không truyền thống. Thứ 3, giá thành của nó khá rẻ nếu so với các loại đạn tấn công chính xác cao truyền thống.
Forbes nhận định, thách thức lớn nhất của Nga lúc này là việc sản xuất Lancet để tiếp viện cho chiến trường. Oleg Katkov, tổng biên tập của trang tin Ukraine Defense Express cho rằng, các biện pháp trừng phạt có thể sẽ ngăn Nga sản xuất số lượng lớn Lancet để cấp cho tiền tuyến. Theo ông Katkov, nhiều UAV của Nga được sản xuất bằng thiết bị điện tử nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có các quốc gia phương Tây. Việc bị cấm vận có thể khiến Nga gặp khó để thay thế các linh kiện này.