1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

UAE đóng cửa không phận, dừng dịch vụ bưu chính với Qatar

(Dân trí) - Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) ngày 8/6 đã quyết định đóng cửa không phận và dừng các dịch vụ bưu chính viễn thông với Qatar trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các quốc gia vùng Vịnh ngày càng căng thẳng.

Một máy bay của Qatar (Ảnh: Qatar Airways)
Một máy bay của Qatar (Ảnh: Qatar Airways)

“Chúng tôi đã đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay đi và đến Doha (thủ đô của Qatar) cho đến khi có thông báo tiếp theo”, Cơ quan Hàng không Dân sự UAE thông báo trên mạng xã hội Twitter ngày 8/6. Trước đó, UAE cũng đã đóng cửa tất cả các văn phòng của hãng hàng không quốc gia Qatar, Qatar Airways, đang đặt tại UAE.

Cùng ngày, Tập đoàn Bưu chính viễn thông của UAE thông báo đã ngừng toàn bộ các dịch vụ bưu chính viễn thông tới Qatar sau khi UAE quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và ban hành lệnh cấm đi lại với Qatar.

“Tập đoàn Bưu chính viễn thông UAE đã đình chỉ các dịch vụ tới Qatar tại tất cả các văn phòng bưu chính viễn thông ở UAE kể từ ngày 6/6, cho tới khi có thông báo mới”, thông báo của tập đoàn cho biết. Theo đó, tất cả các bưu kiện đang được gửi đi sẽ phải trả lại.

Trước đó, UAE đã ban hành lệnh cấm người dân nước này không được công khai bày tỏ sự cảm thông đối với Qatar và cảnh báo bất kỳ ai vi phạm cũng có thể đối mặt với mức án lên tới 15 năm tù giam và nộp phạt ít nhất 500.000 dirham (khoảng 136.000 USD). Ngay sau UAE, Bahrain cũng ban hành lệnh cấm tương tự đối với các công dân của nước này, không cho phép bất kỳ ai ủng hộ hoặc có xu hướng ngả về phía Qatar.

3 nước Ả-rập Xê-út, Bahrain và UAE đã thực thi lệnh cấm đi lại đối với Qatar từ đầu tuần này. Theo đó, các công dân mang quốc tịch Qatar bị yêu cầu phải rời khỏi lãnh thổ 3 quốc gia trên trong vòng 14 ngày, đồng thời Ả-rập Xê-út, Bahrain và UAE cũng cấm công dân nhập cảnh vào Qatar.


Hình ảnh của trang FlightRadar24 ngày 6/6 cho thấy các máy bay dân dụng của Qatar chỉ còn một tuyến hẹp để ra vào lãnh thổ sau khi bị Ả-rập Xê-út đóng không phận (Ảnh: FlightRadar24/BBC)

Hình ảnh của trang FlightRadar24 ngày 6/6 cho thấy các máy bay dân dụng của Qatar chỉ còn một tuyến hẹp để ra vào lãnh thổ sau khi bị Ả-rập Xê-út đóng không phận (Ảnh: FlightRadar24/BBC)

Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh bùng phát khi 9 nước Ả-rập Xê-út, Bahrain, Ai Cập, UAE, Yemen, Libya, Maurtius, Mauritania và Maldives lần lượt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cho rằng Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố và ủng hộ Iran.

Nhiều nước vùng Vịnh đã ngừng mọi kết nối đường bộ, đường biển và đường không với Qatar, gây ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế của nước này. Cuộc sống của người dân Qatar bị xáo trộn. Nhiều người đã đổ xô tới các siêu thị mua lương thực, thực phẩm dự trữ do lo ngại cuộc khủng hoảng ở nước này sẽ kéo dài.

Lập trường của Qatar

Về phần mình, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho biết ông ủng hộ các biện pháp ngoại giao để giải quyết căng thẳng đang leo thang trong khu vực và không mong muốn các giải pháp quân sự. Qatar cũng lên tiếng phủ nhận cáo buộc cho rằng nước này có liên quan tới chủ nghĩa khủng bố.

Phát biểu trước các phóng viên tại Doha ngày 8/6, Ngoại trưởng Sheikh Mohammed cho biết Qatar bị cô lập “vì quá thành công và phát triển”. Qatar cũng chưa bao giờ trải qua thời kỳ nào bị “thù địch” như vậy, theo ông Sheikh Mohammed.

“Chúng tôi có nền tảng là hòa bình, chứ không phải khủng bố. Cuộc tranh cãi này đang đe dọa tới sự ổn định của toàn khu vực. Chúng tôi không từ bỏ, và sẽ không bao giờ từ bỏ, sự độc lập trong chính sách đối ngoại của chúng tôi”, ông Sheikh Mohammed nhấn mạnh.

Thành Đạt

Theo BBC