1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tỷ phú Mỹ Elon Musk tiết lộ số tiền đã hỗ trợ Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tỷ phú Mỹ giàu thứ 2 thế giới Elon Musk nói về số tiền mà ông đã hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến kéo dài hơn 14 tháng qua với Nga.

Tỷ phú Mỹ Elon Musk tiết lộ số tiền đã hỗ trợ Ukraine - 1

Tỷ phú Elon Musk (Ảnh: Guiness).

Ngày 23/4, trong một cuộc trao đổi với nhà văn Stephen King trên mạng xã hội, tỷ phú Elon Musk tuyên bố đã hỗ trợ cho Ukraine 100 triệu USD trong cuộc xung đột với Nga.

Năm ngoái, giám đốc điều hành của SpaceX, Tesla và Twitter đã đưa hệ thống Internet vệ tinh Starlink tới Ukraine.

Khi ông King gợi ý rằng ông Musk nên quyên góp cho Ukraine một phần doanh thu có được từ mô hình xác minh tài khoản trả phí mới của Twitter, tỷ phú Mỹ đáp trả: "Tôi đã quyên góp 100 triệu USD cho Ukraine, còn ông đã quyên góp bao nhiêu rồi?".

Ông Musk cũng đăng lại một thông điệp vào tháng 10/2022 từ Bộ trưởng Công nghệ Ukraine Mikhail Federov, trong đó ông cảm ơn Giám đốc điều hành của SpaceX vì đã cung cấp Starlink cho Ukraine, điều mà ông mô tả là "cực kỳ quan trọng".

Tính tới cuối năm ngoái, Ukraine đã nhận khoảng 22.000 ăng-ten Starlink kể từ đầu chiến sự và SpaceX dự kiến cung cấp thêm hàng nghìn thiết bị đầu cuối khác cho phía Kiev.

Starlink đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine, khi quân đội Nga phá hủy hệ thống liên lạc của đối thủ.

Starlink cho phép quân đội Ukraine sở hữu một hệ thống thông tin đáng tin cậy và mạnh mẽ. Quân nhân Ukraine sử dụng các hệ thống này để phối hợp các nhiệm vụ phản công hoặc yêu cầu hỗ trợ pháo binh. Trong khi đó, dân thường Ukraine dùng Starlink để giữ liên lạc với thân nhân ở trong và ngoài nước.

Sự đóng góp của ông Musk là quan trọng vì trong tác chiến hiện đại, với các đối thủ mạnh hơn, việc có một mạng lưới vệ tinh thông tin liên lạc mạnh mẽ được xem là "vũ khí" chiến lược.

Trong khi đó, Nga tin rằng Starlink là một mục tiêu hợp pháp, lập luận rằng Mỹ và các đồng minh của họ đã và đang sử dụng "các yếu tố của cơ sở hạ tầng không gian dân sự, bao gồm cả thương mại, cho mục đích quân sự".

Tuy nhiên, quan hệ giữa ông Musk và Ukraine đã xảy ra căng thẳng hồi tháng 10/2022, sau khi tỷ phú Mỹ đề xuất rằng, để chấm dứt xung đột, Ukraine nên chấp nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và đồng ý trung lập. Tuyên bố của ông Musk ngay lập tức vấp phải chỉ trích của Kiev.

Vào cùng tháng 10 năm ngoái, ông Musk từng gây "bão" dư luận khi công ty mẹ của Starlink, SpaceX, đã cảnh báo với Lầu Năm Góc rằng họ không thể trả hoàn toàn chi phí dịch vụ internet vệ tinh ở Ukraine thêm nữa. SpaceX cũng kêu gọi Mỹ chi trả cho khoản này. 

Ông Musk cảnh báo sẽ ngừng hỗ trợ tài chính để vận hành hệ thống internet vệ tinh của Starlink ở Ukraine. Vào thời điểm đó, ông cho biết, công ty SpaceX của ông đã chi hàng trăm triệu USD để cung cấp internet cho Ukraine nhiều tháng qua. Sau đó, ông Musk bất ngờ thay đổi quan điểm khi nói rằng, SpaceX sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine.

Tháng 11/2022, Phó Thủ tướng phụ trách hội nhập châu Âu của Ukraine Olha Stefanishyna cho biết, các điểm truy cập internet vệ tinh của Starlink là "tín hiệu của sự sống" đối với những người Ukraine đang gặp khó khăn, nhưng tính cách khó đoán của tỷ phú Elon Musk đang khiến Ukraine phải tìm kiếm các giải pháp thay thế những thiết bị này.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine