1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc thấp kỷ lục trong 40 năm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh ở mức thấp kỷ lục trong hơn 4 thập niên, trong bối cảnh quốc gia Đông Á đang đối mặt với vấn đề dân số bị già hóa.

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc thấp kỷ lục trong 40 năm - 1

Chuyên gia cảnh báo rằng, Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số (Ảnh: Reuters).

RT đưa tin, theo báo cáo mang tên "Yearbook 2021" do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hồi cuối tuần, nước này vào năm 2020 đã ghi nhận tỷ lệ sinh ở mức 8.52 trẻ trên trung bình 1.000 người. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1978 tới nay.

Con số được đánh giá là đang ở mức "nguy hiểm", vì nó thu hẹp rõ rệt khoảng cách với tỷ lệ tử vong vào năm 2020, ở mức 7,07 trên 1.000 dân. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của Trung Quốc năm ngoái ở mức thấp kỷ lục, chỉ 1,45 vào năm 2020, so với con số 3,32 ghi nhận năm 2019.

Kể từ năm 2016, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc liên tục giảm sau hàng chục năm nước này thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, cũng như chứng kiến sự biến đổi về mặt kinh tế.

Theo một thống kê dân số do Trung Quốc công bố hồi đầu năm nay, nước này có 12 triệu trẻ em ra đời vào năm 2020, con số thấp nhất kể từ năm 1961. Với nhóm dân trên 60 tuổi chiếm 18.8% tổng dân số 1,4 tỷ dân, Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề khá nghiêm trọng: Dân số già hóa, theo RT.

Mặc dù, Trung Quốc đã có động thái "gỡ bom hẹn giờ" nhân khẩu học, thông qua việc cho các cặp đôi được sinh con thứ 3, cũng như các biện pháp khuyến khích sinh đẻ khác, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng các động thái này dường như chưa đủ.

Theo RT, chính Trung Quốc cũng thừa nhận rằng, nhiều người dân nước này ngày càng có xu hướng kết hôn muộn và sinh ít con vì lý do kinh tế và giáo dục.

Tỷ lệ đăng ký kết hôn năm nay cũng chứng kiến sự tụt giảm, đạt mốc 814,3 trên 10.000 cặp đôi.

"Mười năm tới sẽ là bước ngoặt lớn khiến dân số có thể khiến dân số Trung Quốc bước vào giai đoạn tăng trưởng âm", He Dan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Dân số Trung Quốc, cảnh báo trong một bài báo đầu năm nay.