Tường trình từ Nepal: 6 tiếng kinh hoàng giữa tâm động đất
Trần Hương, cô gái gốc Nam Định, hiện đảm đương vai trò giám sát bóng đá nữ LĐBĐ châu Á (AFC), đã trải qua 6 tiếng kinh hoàng giữa tâm chấn vụ động đất tại Nepal khi đang làm nhiệm vụ tại giải bóng đá nữ U14 châu Á 2015.
Từ thủ đô Kathmandu, người mẹ trẻ này chia sẻ cho báo điện tử Tiền Phong về cảm giác sống trong sợ hãi khi đối mặt với vụ động đất mạnh 7,9 độ Richter.
Trước khi xảy ra vụ động đất, tôi đã ở Kathmandu làm nhiệm vụ gần 10 ngày. Lẽ ra sau trận chung kết giữa Nepal- Bangladesh vào chiều nay, tôi sẽ lên đường quay về Hà Nội vào đêm mai. Mọi thứ đã rất yên bình, ngọt ngào cho đến lúc tôi phải tận mắt chứng kiến sự khủng khiếp của trận động đất. Đất nước Nepal trong mắt tôi quá đẹp và hùng vĩ, nhất là sự tuyệt diệu của tạo hóa ban cho đất nước này khi có được đỉnh Everest vĩ đại.
Vụ động đất tại Nepal là lần thứ 2 tôi trực tiếp đối mặt với thảm họa thiên nhiên này. Năm 2008, trong chuyến công tác cùng đoàn Tầm nhìn châu Á của AFC tại Tứ Xuyên (Trung Quốc), tôi cũng đã “đụng” với động đất. Vì thế, ít nhiều tôi có kinh nghiệm để đối phó trước tình huống bất ngờ này. Điều đầu tiên tôi xác định phải vượt qua chính là tâm lý, bởi không giữ được bình tĩnh thì thật nguy hiểm.
Thảm họa kinh hoàng bắt đầu khi tôi đang có mặt tại sân Dasrath chuẩn bị cho trận tranh HCĐ giữa Ấn Độ và Iran. Lúc đó là 11.50 giờ địa phương. Mọi thứ diễn biến cực nhanh và khủng khiếp. Tôi đang kiểm tra những điều kiện cuối cùng cho trận đấu thì cảm nhận dưới chân mình có sự rung chuyển. Kinh nghiệm từ vụ động đất tại Tứ Xuyên khiến tôi đoán nhận được sự cố đối mặt. Vậy là tôi hô to: “Động đất!”. Rồi lùa tất cả 2 đội bóng và chính mình thì ba chân bốn cẳng chạy thẳng ra giữa sân. Khu vực ấy là nơi an toàn nhất, bởi mặt sân trống, có thể quan sát để chủ động.
Từ giữa sân, tôi nhìn thấy cả khán đài sân vận động to vật vã lung lay rung chuyển. Sau đó là cánh cổng sân đổ rầm, mấy tượng đài trước sân cũng lần lượt đổ sụp. Cột đèn sân to khoảng 2 người ôm lung lay dữ dội, nhưng may mắn không đổ. Với yêu cầu an toàn, chúng tôi nhất quyết không được di chuyển khỏi khu vực đã xác định an toàn nhất có thể để “trốn” động đất. Từng giây, từng phút rồi kéo dài đến tận 18 giờ, không một ai di chuyển khỏi khu vực trên. Trong quãng thời gian ấy, chúng tôi bị tra tấn thêm vài quả rung lắc nữa. Thật là quá khiếp sợ.
Cuối cùng thì cũng có lệnh được di chuyển. Nhiệm vụ của tôi là đưa bốn đội khách về nơi trú quân an toàn. Từ sân Dasrath về khách sạn trú quân của 2 đội phải di chuyển 40 phút. Khoảnh khắc di chuyển trên đường khiến tôi cảm nhận thêm sự khủng khiếp khi mẹ thiên nhiên nổi giận. Hai bên đường tan hoang. Tôi chỉ muốn khóc, thương cho một Kathmandu hiền hòa, xinh đẹp… nay phải hứng chịu sự tàn khốc.
Tôi về đến khách sạn của mình. Lướt báo và nhìn ảnh thấy quảng trường Hoàng cung Patan nổi tiếng của Nepal giờ chỉ là đống đổ nát. Hai ngày trước, tôi và các bạn mới vừa tham quan nơi này. Vậy mà… Tôi muốn khóc.
Mọi chuyện đâu đã dừng lại như thế. Khách sạn nơi tôi ở cũng tan tành vì dư chấn vụ động đất. Cửa kính nát vụn, sàn đá bung lên, mấy cây cột khách sạn cũng sụp xuống. Rồi lại rung chấn. Có cả thảy 65 cơn rung chấn từ sau cơn động đất mạnh 7,9 độ Richter, và mỗi lần như vậy, tôi và bạn bè lại ba chân bốn cẳng chạy ra ngoài tìm chỗ an toàn.
Ơn giời, tôi vẫn được an toàn. Tôi đã thu dọn đồ đạc và đêm nay, chắc chắn không ngủ. Tôi sẽ ngồi dưới sảnh khách sạn để sẵn sàng chạy ra ngoài bất cứ lúc nào. Ai mà biết được… Đọc tin trong 48 giờ tới, Nepal có thể hứng chịu thêm 1 trận động đất mạnh không kém nữa, trong khi theo kế hoạch, tối mai chuyến bay của tôi mới cất cánh.
Mong dự báo ấy chỉ là dự báo và đêm mai, tôi sẽ được bay về với con gái mình, Mimie bé nhỏ.
Tin và ảnh theo Trần Hương Lê (từ thủ đô Kathmandu, Nepal)