1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tướng Mỹ thừa nhận điểm yếu của NATO nếu phải đối đầu Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Một vị tướng kỳ cựu của quân đội Mỹ mới đây đã lên tiếng thừa nhận NATO đang phải vật lộn với các kế hoạch mơ hồ và hậu cần kém trong trường hợp xảy ra đối đầu với lực lượng Nga.

Tướng Mỹ thừa nhận điểm yếu của NATO nếu phải đối đầu Nga - 1

Quân đội Đức tham gia cuộc tập trận tại thao trường Gaiziunai ở Lithuania vào năm 2022 (Ảnh AP).

"NATO sẽ không thể nhanh chóng di chuyển binh sĩ và thiết bị về phía đông để có thể ngăn chặn một cuộc tấn công giả định của Nga vào châu Âu", tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy của quân đội Mỹ tại châu Âu, cảnh báo.

"Việc di chuyển nhanh hơn phía Nga khi cần tiến quân đến một địa điểm quan trọng là thước đo quan trọng duy nhất để răn đe hiệu quả. Nhưng chúng ta vẫn không thể làm được điều đó. Khả năng di chuyển quân sự vẫn là một vấn đề dù năng lực này đã tốt hơn so với 5 năm trước", vị cựu tướng này nói.

Gần một năm trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thông báo, khối này sẽ tăng số lượng binh sĩ sẵn sàng chiến đấu cao từ con số 40.000 lên 300.000 mà không giải thích quốc gia nào sẽ cung cấp những binh sĩ này hoặc ai sẽ trả tiền cho việc triển khai quân này.

Nhà lãnh đạo NATO chỉ nhấn mạnh, 100.000 binh sĩ sẽ được triển khai trong vòng 10 ngày và phần còn lại trong vòng một tháng.

Tuy nhiên, các quan chức Estonia không nhất trí với sự sắp xếp này. Estonia đang tìm kiếm sự đảm bảo rằng quân tiếp viện sẽ đến "không phải chỉ khi Nga bắt đầu động thủ mà ngay từ thời điểm nhìn thấy những dấu hiệu và cảnh báo đầu tiên", Tư lệnh quân đội Estonia, tướng Martin Herem, nhấn mạnh.

Tướng Hodges cũng cảnh báo dù quân đội có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu thì NATO cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đưa các thiết bị hạng nặng đến chiến trường để hỗ trợ các nước, vì không có đủ hệ thống cầu đường và đường hầm đủ rộng để vận chuyển xe bọc thép trên khắp châu Âu. Ngoài ra, cũng như không đủ toa tàu để vận chuyển chúng. 

Một số nước đã nghi ngờ cam kết của các đồng minh trong liên minh quân sự này.

Cho đến khi các nhà lãnh đạo NATO vạch ra kế hoạch triển khai 300.000 quân như lời cam kết của Tổng thư ký Stoltenberg, các binh sĩ sẽ đóng quân dọc biên giới Nga theo các thỏa thuận song phương.

Đức dẫn đầu một nhóm chiến đấu của NATO ở Lithuania, nhưng đã phản đối việc thành lập một lữ đoàn thường trực ở đó. Điều này khiến Lithuania lo lắng rằng nếu chiến tranh nổ ra, nếu Berlin xảy ra bất đồng chính trị thì sẽ làm trì hoãn việc tiếp viện, cựu trợ lý tổng thư ký NATO Camille Grand lưu ý.

Các quan chức Ukraine đã nhiều lần nói rằng, các lực lượng Nga sẽ tiếp tục gây sức ép nhằm vào châu Âu trừ khi Kiev được cung cấp đủ vũ khí phương Tây để đối phó Moscow.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hồi đầu năm nay cảnh báo Moscow sẽ tiếp nối chiến dịch ở Ukraine với "cuộc tấn công tiếp theo có khả năng là ở các quốc gia vùng Baltic, Phần Lan, Ba Lan, Romania hoặc Moldova, hay bất kỳ quốc gia nào khác có chung biên giới".

Tuy nhiên, trên thực tế, Nga chưa bao giờ thể hiện bất kỳ ý định sẽ tấn công lãnh thổ một quốc gia NATO nào, động thái có thể ngay lập tức đẩy Moscow vào cuộc chiến với toàn bộ liên minh.

Moscow cũng nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên can dự sâu hơn vào cuộc xung đột Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev, lập luận rằng làm như vậy sẽ khiến chiến sự càng kéo dài và đẩy các thành viên NATO trở thành những bên tham chiến thực sự.

Theo RT