1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Tướng Đức cảnh báo thời điểm Nga có đủ tiềm lực để "tấn công NATO"

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức cấp cao của Đức cảnh báo mối đe dọa ngày càng tăng trong việc Nga tăng cường xây dựng lực lượng quân sự.

Tướng Đức cảnh báo thời điểm Nga có đủ tiềm lực để tấn công NATO - 1

Lính Nga khai hỏa pháo về phía lực lượng Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Trong cuộc phỏng vấn với Sachsische Zeitung hôm 23/7, Trung tướng Đức Carsten Breuer, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Đức, cảnh báo "quân đội Nga đang hướng về phía phương Tây".

"Trong vòng 5 đến 8 năm, lực lượng vũ trang Nga sẽ được trang bị thiết bị và nhân lực để tấn công lãnh thổ NATO", tướng Breuer dự đoán.

Tướng Breuer cho biết dự đoán này được đưa ra dựa trên phân tích của ông, cũng như thông tin từ các cơ quan tình báo, lực lượng vũ trang đồng minh và tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Quân đội Nga sản xuất thêm khoảng 1.000-1.500 xe tăng mỗi năm. 5 quốc gia thành viên NATO lớn nhất châu Âu chỉ có một nửa số lượng đó trong kho vũ khí của họ", tướng Đức nói thêm.

Trước đó, ông Breuer hồi tháng 4 cũng cảnh báo, Nga có thể sẵn sàng về mặt quân sự để tấn công các nước thuộc NATO trong thời gian 5-8 năm nữa nếu Moscow muốn làm như vậy.

Theo ông, Nga có thể thực hiện vụ tấn công khi nước này đã xây dựng lại lực lượng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến với Ukraine.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong quan hệ của Moscow với phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Gần đây, nhiều quan chức phương Tây kêu gọi ủng hộ viện trợ bổ sung cho Ukraine bằng cách tuyên bố rằng Nga sẽ không dừng lại nếu Ukraine bị đánh bại trên chiến trường. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần bác bỏ những suy đoán này, nhấn mạnh nước này không đạt được lợi ích gì nếu tấn công NATO.

Trong số 32 thành viên của NATO, 6 quốc gia châu Âu có chung đường biên giới với Nga gồm Na Uy, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan.

Tháng 11/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng tuyên bố nước này phải có đủ năng lực sẵn sàng chiến đấu. Tới tháng 1, ông Pistorius nhấn mạnh rằng Berlin và toàn bộ NATO nên tích cực hơn trong công tác vũ trang để có thể "tiến hành cuộc chiến chúng ta bị buộc phải thực hiện".

Theo Bộ trưởng Pistorius, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga hiện mở rộng với quy mô vượt nhu cầu sử dụng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Vũ khí dư thừa đang được đưa vào kho tích trữ.

Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski hồi tháng 4 cảnh báo cuộc tấn công của Nga vào bất kỳ quốc gia NATO nào chắc chắn sẽ dẫn đến sự thất bại của Moscow. Ông cho biết "NATO có lực lượng lớn gấp 3 lần, nguồn lực phòng không lớn gấp 3 và số lượng tàu chiến gấp 4 lần của Nga".

Theo nhà ngoại giao Ba Lan, Nga chỉ có hơn 1,3 triệu quân nhân sau đợt huy động đầu tiên vào tháng 9/2022. Trong khi đó, lực lượng của NATO chưa huy động là 3,5 triệu người, gấp gần 3 lần của Nga.

Ngoài ra, GDP danh nghĩa của các nước NATO và EU là hơn 45.000 tỷ USD, trong khi của Nga và Belarus chỉ là 2.200 tỷ USD, tức là ít hơn 20 lần.

Người phát ngôn NATO Farah Dakhlallah ngày 22/7 cho biết, kể từ năm 2014, NATO đã trải qua sự chuyển đổi quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ tập thể. Theo đó, NATO đã triển khai các kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, với hơn 500.000 binh sĩ đang "trong tình trạng sẵn sàng cao độ".

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, tất cả 32 thành viên của liên minh tái cam kết mở rộng viện trợ cho Ukraine và tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự của chính họ. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử quan trọng ở châu Âu và Mỹ trong năm nay có nguy cơ làm chệch hướng, hoặc ít nhất là làm chậm lại các hành động tập thể của NATO.

Theo Kyiv Independent