Tướng Anh: NATO chưa sẵn sàng đối đầu với Nga
(Dân trí) - Một cựu tướng của NATO mới đây đã lên tiếng cảnh báo rằng, liên minh này chưa sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra tại Ukraine, đó là nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.
Trả lời phỏng vấn báo Newsweek đăng hôm 15/9, tướng Anh Richard Shirreff, người từng 3 năm làm Phó Tư lệnh của NATO ở châu Âu, đã kêu gọi các nước thành viên NATO tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Theo vị tướng này, các cuộc phản công gần đây của Ukraine là minh chứng cho sự hỗ trợ quân sự ngày càng lớn của các nước thành viên NATO cho Kiev, đặc biệt là từ Mỹ và Anh.
Tướng Shirreff nói rằng, điều đó có thể "gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các quốc gia đang lung lay" trong liên minh về việc ủng hộ Kiev, đặc biệt là Đức.
Nhưng trong lời kêu gọi các thành viên NATO "cởi trói" và tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev, ông Shirreff lo ngại liên minh này không có khả năng hành động, nếu chiến tranh bùng nổ ra ngoài biên giới Ukraine.
"Để quản lý các nguy cơ leo thang, NATO cần phải chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất, nhưng đây vẫn chưa phải là trường hợp xấu nhất. Trong trường hợp xấu nhất, ý tôi là NATO chiến tranh với Nga", ông nói với Newsweek.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, Mỹ và các đồng minh NATO cho biết đã cố gắng không vượt qua "lằn ranh đỏ" của Nga, giữa việc hỗ trợ quân sự cho Kiev mà không làm leo thang xung đột.
Nhưng truyền thông nhà nước Nga và một số chính trị gia ở Moscow chỉ trích phương Tây, cho rằng sự hỗ trợ quân sự của NATO cho Kiev chính là hành động tham chiến chống Moscow.
Trong khi đó, ông Shirreff cũng nhắc lại NATO chỉ có thể tham gia trực tiếp cuộc xung đột nếu chiến sự ở Ukraina tràn ra khỏi biên giới đất nước này. Tức là nếu một trong các quốc gia thành viên đối mặt với cuộc tấn công, NATO mới có quyền kích hoạt nguyên tắc phòng thủ tập thể, một tình huống khó khăn mà tướng Shirreff nói rằng liên minh này chưa chuẩn bị để đối đầu.
Theo ông, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có nghĩa là huy động kho dự trữ, có nghĩa là khôi phục các khả năng đã mất đi trong nhiều năm do cắt giảm chi tiêu quốc phòng, là phải chuẩn bị cho ngành công nghiệp sản xuất đạn pháo, vũ khí chống tăng và tên lửa phòng không.
"Không chỉ để thay thế số vũ khí đã được chuyển đến Ukraine mà còn để tăng số lượng vũ khí của chính mình vì chúng tôi đang cạn kiệt", ông bày tỏ lo ngại.