1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Mặt trận" mới có thể đốt nóng căng thẳng Nga - NATO

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bắc Cực có thể trở thành "mặt trận" đối đầu mới giữa Nga và NATO, trong bối cảnh khối liên minh quân sự lo ngại về việc Nga ngày càng gia tăng năng lực quân sự tại đây.

Mặt trận mới có thể đốt nóng căng thẳng Nga - NATO - 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AFP).

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 26/8 nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường an ninh dọc theo sườn phía bắc của liên minh để đối phó Nga.

"Khu vực Bắc Cực quan trọng về mặt chiến lược với an ninh của châu Âu - Đại Tây Dương", ông Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo ở căn cứ Cold Lake, Alberta, Canada.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ hơn 6 tháng trước, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Nếu nỗ lực này được liên minh thông qua, 7/8 nước Bắc Cực sẽ là thành viên NATO, trừ Nga.

"Lộ trình ngắn nhất để tên lửa và máy bay ném bom Nga tới được Bắc Mỹ là đi qua Bắc Cực. Điều này sẽ khiến vai trò của NORAD trở nên quan trọng với Bắc Mỹ và cả NATO", ông Stoltenberg cảnh báo.

NORAD là viết tắt của Bộ Chỉ huy Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ, một tổ chức của Mỹ và Canada.

Theo Tổng thư ký NATO, năng lực của Nga ở Bắc Cực là "thách thức chiến lược cho toàn bộ liên minh". Ông cáo buộc Nga gia tăng hoạt động xây dựng quân sự ở khu vực này, bao gồm mở "hàng trăm cơ sở quân sự ở Bắc Cực" và "thử nghiệm các loại vũ khí tiên tiến nhất bao gồm tên lửa siêu vượt âm".

Ngoài ra, ông Stoltenberg cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc có thể tiếp cận Bắc Cực để vận chuyển và thăm dò tài nguyên, với kế hoạch xây dựng hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới.

"Bắc Kinh và Moscow đã cam kết tăng cường hợp tác thiết thực ở Bắc Cực. Điều này tạo thành một phần của quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc, thách thức các giá trị và lợi ích của chúng ta", ông Stoltenberg phát biểu.

Ông kêu gọi NATO phải đáp trả động thái nói trên bằng việc gia tăng hiện diện ở Bắc Cực và đầu tư vào những năng lực quân sự mới.

Quan chức NATO đồng thời nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang đặt ra thách thức an ninh mới, đòi hỏi khối liên minh cân nhắc về chiến lược.

"Biến đổi khí hậu đang làm cho Bắc Cực trở nên quan trọng hơn vì băng đang tan và nó trở nên dễ tiếp cận hơn cho cả hoạt động kinh tế và hoạt động quân sự", ông giải thích.

Nga, nước có phần đất liền phía đông chỉ cách bờ biển Alaska 88 km qua eo biển Bering, trong nhiều năm đã ưu tiên mở rộng sự hiện diện ở Bắc Cực bằng cách sửa chữa lại các sân bay, xây thêm căn cứ, huấn luyện quân đội và phát triển mạng lưới hệ thống phòng thủ quân sự ở biên giới phía bắc.

Với khí hậu ấm lên, băng trong khu vực đang thu hẹp lại, các nguồn cá có giá trị đang di chuyển về phía bắc, trong khi các khoáng sản quý hiếm và trữ lượng nhiên liệu hóa thạch đáng kể của Bắc Cực đang trở thành mục tiêu thăm dò ngày càng tăng.

Nga đã nói rõ rằng họ có ý định kiểm soát Tuyến đường Biển phương Bắc ngoài khơi bờ biển phía Bắc, một tuyến đường rút ngắn đáng kể khoảng cách vận chuyển giữa Trung Quốc và Bắc Âu. Mỹ cáo buộc Nga đang yêu cầu các quốc gia khác phải xin phép khi đi qua khu vực này và cảnh báo sử dụng biện pháp quân sự với các tàu không tuân thủ.

Trọng tâm trong những năm gần đây là mở rộng các kênh ngoại giao, hợp tác thông qua Hội đồng Bắc Cực. Tuy nhiên, hoạt động này đã bị tạm dừng sau khi Nga tiến quân vào Ukraine. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, căng thẳng giữa Nga và NATO ở khu vực Bắc Cực sẽ có thể leo thang trong thời gian tới.

Theo AFP