1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tuần đầu nhiệm sở của Biden: Mỹ dồn dập gửi thông điệp rắn đến Trung Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Trong tuần đầu nhiệm sở, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi thông điệp rõ ràng, phản đối âm mưu bành trướng của Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á.

Tuần đầu nhiệm sở của Biden: Mỹ dồn dập gửi thông điệp rắn đến Trung Quốc - 1

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ (Ảnh: AFP)

AFP cho biết, trong các cuộc gọi và các thông cáo, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức an ninh cấp cao đã khẳng định cam kết hỗ trợ các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, phát tín hiệu cứng rắn đến Trung Quốc.

Hôm 27/1, ông Biden khẳng định với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga rằng chính quyền của ông cam kết bảo vệ Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo Senkaku, khu vực mà cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền. Cam kết này cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định trong cuộc trao đổi với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi cuối tuần trước khi đề cập đến Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật. Ông Austin nhấn mạnh, Mỹ "tiếp tục phản đối bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông", thông cáo của Lầu Năm Góc cho hay.

Trong khi đó, ba ngày sau khi ông Biden nhận nhiệm sở, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chỉ trích việc Trung Quốc liên tục điều máy bay chiến đấu vào Vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Washington hối thúc Trung Quốc "ngừng gây sức ép quân sự, ngoại giao và kinh tế" với hòn đảo này.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các đồng minh và bằng hữu nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và các giá trị chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó bao gồm cả việc củng cố quan hệ của chúng tôi với Đài Loan. Cam kết của chúng tôi với Đài Loan rất vững chắc", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Những bình luận này cho thấy, chính quyền của ông Biden có thể sẽ duy trì các chính sách an ninh cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm đối với Trung Quốc.

"Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do"

Tuần đầu nhiệm sở của Biden: Mỹ dồn dập gửi thông điệp rắn đến Trung Quốc - 2
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (Ảnh: Reuters)

Từ lâu Mỹ đã hỗ trợ các đồng minh ở châu Á thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Tháng 7 năm ngoái, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump thậm chí ra thông cáo nói rằng, hầu hết tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là "hoàn toàn phi pháp".

Về phần mình, trong các trao đổi quốc tế đầu tiên sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin không chỉ liên hệ với người đồng cấp Nhật Bản, mà còn với người đồng cấp Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong 3 năm trở lại đây, Mỹ đã mở rộng hợp tác quốc phòng với Ấn Độ.

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh hôm 26/1, ông Austin nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước được xây dựng trên cơ sở các giá trị và lợi ích chung đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là một khu vực mở và tự do.

Kiềm chế Trung Quốc cũng là chủ đề trong cuộc điện đàm giữa ông Austin và người đồng cấp Australia Linda Reynolds hôm 25/1. Ông Austin nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do dựa trên luật pháp và các thông lệ quốc tế. Châu Á được cho sẽ nằm trong kế hoạch công du đầu tiên của ông Austin.

Để khẳng định lại lập trường nhất quán của Mỹ với châu Á, hôm 24/1, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã thực hiện sứ mệnh "tự do hàng hải" ở Biển Đông, đi vào gần khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép. Đây là chuyến tuần tra tự do hàng hải đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.