Từ cảnh cáo đến đòn trả đũa Israel: "Cơn thịnh nộ" của Iran có gì khác lạ?
(Dân trí) - Từ cuộc tập kích mang tính cảnh cáo hồi tháng 4 đến đòn tấn công trả đũa ồ ạt bằng tên lửa của Iran vào Israel đầu tháng này đã có nhiều khác biệt.
Đòn "cảnh cáo +" của Iran?
Vào đêm, rạng sáng 2/10, Iran đã bất ngờ tiến hành một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vào lãnh thổ Israel. Tehran tuyên bố rằng, họ đã phóng khoảng 200 tên lửa, trong đó một số lượng đáng kể đã xuyên thủng hệ thống phòng thủ đa tầng của Israel, tấn công vào những trung tâm quân sự chiến lược cũng như các căn cứ radar và không quân của Israel.
Vậy Iran đã sử dụng loại vũ khí nào để chọc thủng lưới lửa canh trời trứ danh thế giới của Israel và mục đích tấn công là gì?
Chuyên gia quân sự Thiệu Vĩnh Linh của Học viện Pháo binh số 2, Quân đội Trung Quốc, nhận định: "Hai cuộc tấn công gần đây của Iran thực chất rất khác nhau. Tôi nghĩ cuộc tấn công của Iran vào tháng 4 chủ yếu là một hành động chính trị. Nói một cách thẳng thắn, nó thực sự giống một đòn cảnh cáo hơn".
"Vì vậy, trong lần tấn công đó, Iran đã đưa ra cảnh báo trước "rất đầy đủ", đó là thời gian giành cho Mỹ và Israel làm công tác chuẩn bị đối phó. Về vũ khí tham gia cuộc tập kích, Iran có sử dụng tên lửa đạn đạo nhưng số lượng không lớn lắm, chủ yếu là máy bay không người lái tự sát và tên lửa hành trình", chuyên gia Trung Quốc nhận định.
"Trong lần tấn công trả đũa hôm 1/10 vừa qua, có "yếu tố cảnh cáo" nhưng cũng có yếu tố chiến đấu thực sự. Tehran vẫn có cảnh báo trước, nhưng thời gian không dài và trên thực tế, cũng không gây tổn thất lớn cho Tel Aviv. Cú ra đòn thực sự là bằng tên lửa, đã đánh trúng một căn cứ quân sự đối phương và một sân bay của không quân Israel có hơn 30 hố đạn tên lửa", ông Thiệu nói.
"Đây thực chất là một hành động nhằm nói với đối thủ rằng, Iran không gây ra tổn thất nào cho Israel và đó là hành động có chủ ý, nhưng đồng thời cho thấy, Telhran không muốn rơi vào vòng xoáy trả đũa với Tel Aviv, nhưng họ thực sự có thể tấn công Israel. Phần này thực chất là một lời cảnh báo đối với Israel, yêu cầu đối thủ không tiếp tục khiêu khích", vị chuyên gia kết luận.
Iran lần đầu sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fatah
Cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel lần này, cũng lần đầu tiên Iran sử dụng tên lửa siêu thanh Fatah (Mũi tên trong tiếng Ba Tư). Tại sao họ lại sử dụng tên lửa Fatah tối tân trong cuộc tấn công?
Chuyên gia quân sự Thiệu Vĩnh Linh cho biết: "Fatah xuất hiện lần đầu vào tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên vào thời điểm đó, vũ khí này mới là phiên bản Fatah 1, còn trên thực tế, Iran vẫn còn Fatah 2. Hai tên lửa siêu thanh này thực sự là những loại tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Iran. Họ có nhiều tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nên có câu nói ví von rằng Iran có nhiều mẫu tên lửa hơn số lượng tên lửa".
Điều này có thể có nghĩa là tên lửa của Iran liên tục được nâng cấp lên phiên bản mới. Fatah 1 cũng như Fatah 2 được sử dụng trong lần tấn công này, là tên lửa siêu vượt âm và khả năng xuyên thấu của chúng chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo thông thường.
Việc Iran sử dụng 2 loại tên lửa nói trên cũng là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả đánh chặn của Israel lần này tương đối kém. "Tôi cho rằng việc sử dụng tên lửa Fatah thực chất là một lời cảnh báo "hết sức nghiêm khắc" đối với Israel, để Israel biết rằng, Tehran hoàn toàn có khả năng gây thiệt hại nặng nề cho Israel", chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh.
Điều quan trọng là Iran vẫn chưa thể hiện một cuộc trả đũa theo đúng nghĩa, vì thực sự không muốn tình hình leo thang vượt quá tầm kiểm soát. Do vậy, lần này Iran chỉ sử dụng một ít tên lửa tiên tiến nhất, thực sự là để "dọa" Israel, hy vọng rằng chu kỳ trả đũa và phản trả đũa này giữa họ có thể chấm dứt.
Tên lửa Fatah có khả năng xuyên phá mạnh hơn
Trong cuộc tấn công mới nhất, vì sao tên lửa Fatah của Iran có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Israel và trong thực chiến, chúng và các tên lửa khác phối hợp với nhau như thế nào?
Theo chuyên gia quân sự Thiệu Vĩnh Linh, trên thực tế, một trong những nguyên nhân chính là do bản thân tên lửa Fatah có khả năng xuyên phá phòng thủ mạnh hơn.
Vì là loại siêu vượt âm nên Fatah có tốc độ rất cao, điều này khiến radar thuộc hệ thống đánh chặn của Israel khó theo dõi được quỹ đạo, khi bay vào bầu khí quyển trái đất và bắt đầu tấn công, tốc độ tên lửa sẽ cao hơn tên lửa đạn đạo thông thường. Do vậy, kể cả những hệ thống đánh chặn chuyên nhiệm như Arrow 2 hay Arrow 3 cũng sẽ có hiệu quả diệt mục tiêu tương đối thấp.
Ông Thiệu Vĩnh Linh nhận định thêm: "Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí mạnh nhất trong họ tên lửa tấn công và trong các cuộc tấn công tiềm tàng tiếp theo, Iran có thể sử dụng tên lửa đạn đạo thông thường. Ví dụ, chúng ta đã thấy rằng Nga thường sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal hoặc Zircon, có thể tấn công những mục tiêu có giá trị đặc biệt cao, sau đó tiêu diệt những mục tiêu khác bằng tên lửa đạn đạo hoặc hành trình thông thường".
"Vì vậy, lần này, tôi nghĩ tên lửa siêu vượt âm Iran thực sự có thể đang nhắm vào các radar của hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 2 và Arrow 3. Bởi nếu radar bị tiêu diệt, phòng không Israel sẽ như bị "mù", các tên lửa đạn đạo thông thường tiếp theo dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ".