1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Truyền thông Trung Quốc chỉ trích Mỹ “xen vào” tranh chấp Biển Đông

(Dân trí) - Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc ngày 14/7 cáo buộc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton xen vào các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

 

Truyền thông Trung Quốc tố Mỹ “xen vào” tranh chấp Biển Đông


 

Tại diễn đàn an ninh khu vực được tổ chức ở Campuchia trong tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ đã kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp Biển Đông tránh việc chèn ép, bắt nạt, đe dọa, hay dùng vũ lực.

 

Bài xã luận của Tân Hoa xã nói Ngoại trưởng Mỹ đã công khai làm cho Trung Quốc khó chịu khi xen vào vấn đề Biển Đông bằng cách nhiều lần nhấn mạnh tới các lợi ích của Hoa Kỳ tại đây và công khai ủng hộ của các nước trong ASEAN làm phức tạp thêm tranh chấp Biển Đông. “Mặc dù thận trọng trước việc công khai chỉ trích Trung Quốc, song bà Clinton đã can thiệp sâu vào vấn đề Biển Đông bằng việc không ngừng nhấn mạnh lợi ích của Mỹ tại đó và công khai ủng hộ âm mưu của từng nước thành viên ASEAN nhằm làm phức tạp tranh chấp lãnh hải”, bài xã luận có đoạn.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc lại là nước ngày càng tăng cường gây hấn xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines.

 

Trong lúc diễn ra hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tại Campuchia, với tranh chấp Biển Đông là một trong những trọng tâm, 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam xuất phát từ cảng Tam Á đi đánh bắt cá xung quanh bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
 
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45 ở Phnom Penh vừa qua, nhiều bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông. Các bộ trưởng nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng vũ lực, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc và tinh thần DOC và các nước cần tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phù hợp với UNCLOS 1982.

 

Vũ Qúy

Theo AP, Xinhua