Đại biểu “thúc” Chính phủ quyết liệt trong vấn đề biển Đông
(Dân trí) - Sốt ruột vì tình hình biển Đông phức tạp, chưa có biện pháp cụ thể để kiểm soát mọi vấn đề diễn ra trên biển, ĐBQH yêu cầu Chính phủ quyết đoán hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc, phân biệt hành vi xâm phạm và xâm lược để xử lý phù hợp.
Báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sau phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội diễn ra vào ngày 22/5 của đoàn thư ký kỳ họp, ghi nhận nhiều sự quan tâm, lo lắng về vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có chiến lược phát triển quốc phòng, an ninh, nhất là trên biển. Nhiều đại biểu lo ngại về việc hiện các thế lực thù địch không ngừng chống phá thông qua nhiều hình thức. Ngoài việc phản động nước ngoài kết cấu với phản động trong nước kích động, lôi kéo nhân dân ở các vùng trọng điểm, chống lại Nhà nước thì ở vùng sâu, vùng xa, việc truyền đạo trái phép diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, tình hình biển Đông đang diễn ra rất phức tạp, chưa có biện pháp cụ thể để kiểm soát mọi vấn đề về biển Đông.
Đại biểu kiến nghị nên tăng cường công tác ngoại giao để từng bước củng cố an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc. “Xử lý tốt vấn đề Biển Đông mới là mục tiêu lâu dài để ổn định phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội” – báo cáo nêu nhận định của các đại biểu.
Gợi ý sau nữa là Chính phủ tăng cường mối quan hệ với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Bàn về vấn đề giải pháp, các đại biểu “thúc” Chính phủ cần quyết liệt trong vấn đề biển Đông, bảo vệ biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ. Một trong những hướng triển khai thiết thực nhất là chú trọng phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân bám biển, tăng cường an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ngoài ra, các ý kiến cũng đề cập vấn đề mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nền quốc phòng vững mạnh, nhất là công nghiệp quốc phòng; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng. Tăng cường cơ sở vật chất cho quốc phòng - an ninh, nâng cao tiềm lực quân sự của đất nước bằng cách kết hợp quốc phòng với kinh tế, gắn với dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có ý kiến đề xuất cần đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có giải pháp quyết đoán hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc, phân biệt hành vi xâm phạm và xâm lược để xử lý phù hợp; thực hiện phòng thủ tốt theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, các đại biểu khuyến nghị cơ quan điều hành thực hiện tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nắm bắt được quan điểm của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng, an ninh.