1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Tuần tra 12 hải lý là 'phép thử siêu cường'

“Nếu Mỹ điều tàu chiến vào tuần tra 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thì đây có thể sẽ là một “phép thử” của Washington đối với tham vọng bành trướng lãnh thổ mà Bắc Kinh đang theo đuổi trên Biển Đông”, Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhận định.

Sự kiện một số nhà quân sự hàng đầu của Mỹ mới đây tuyên bố sẽ sớm triển khai tàu chiền tuần tra quanh khu vực 12 hải lý tại các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc cải tạo trái phép thời gian qua) đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Tuần tra 12 hải lý là 'phép thử siêu cường' - 1

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư Lệnh Quân khu I.

Phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Xuân Thệ -  Nguyên Tư lệnh Quân khu I để cung cấp đến độc giả những góc nhìn khách quan, đa chiều về vấn đề này.

PV: Thưa Trung tướng, ông có nhận định ra sao về tình hình Biển Đông hiện nay cũng như những gì mà Trung Quốc đã và đang làm tại đây trong thời gian qua?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Phải nói rằng, từ trước đến nay, Biển Đông chưa bao giờ “lặng sóng” thực sự.

Sự hiện diện của Trung Quốc cùng những hành động cải tạo trái phép 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã và đang làm cho cả khu vực Đông Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương quan ngại sâu sắc và lên tiếng phản đối qua nhiều kênh đối ngoại khác nhau.

Mặc dù vậy, Trung Quốc với bản chất là một nước “cậy lớn hiếp bé” vẫn không hề từ bỏ dã tâm thôn tính Biển Đông bằng “yêu sách 9 đoạn” phi lý mà họ đang cố gắng hiện thực hóa điều này, bất chấp dư luận quốc tế và khu vực.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Tuần tra 12 hải lý là 'phép thử siêu cường' - 2

Đô đốc Hari Haris – Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đề xuất ý kiến đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý cạnh cáo đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo trái phép trên Biển Đông (Nguồn: CSIS).

Qua rất nhiều hội nghị ở từng cấp độ khác nhau như Hội nghị Ngoại trưởng  ASEAN lần thứ 48; Cấp cao ASEAN thứ 26 cùng các Hội nghị ASEAN với các nước đối tác, trong đó có Trung Quốc diễn ra hồi đầu tháng 8 vừa qua, chúng ta cũng đã thấy vấn đề Biển Đông dường như là một chủ đề làm “hâm nóng” hầu hết  các phiên họp trên.

Một lần nữa, quyết tâm của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định, tránh xung đột khi giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông được thể hiện trong các bản thông cáo chung của hội nghị.

Mới đây nhất, Trung Quốc còn cho khánh thành hai ngọn hải đăng xây dựng trái phép trên bãi đá Châu Viên của Việt Nam từ cuối tháng 5.

Rồi các bằng chứng cho thấy họ đã xây dựng tới 3 đường băng quân sự tại bãi đá Vành Khăn, Chữ Thập và Subi ở Trường Sa…

Hơn lúc nào hết, Biển Đông hiện nay trở thành một khu vực chiến lược quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn cả lợi ích về chính trị, an ninh mà bất cứ cường quốc nào cũng muốn tạo ra ảnh hưởng của mình.

PV: Trung tướng vừa nhấn mạnh tới “ảnh hưởng mà các nước lớn muốn tạo ra trên Biển Đông” hiện nay, vậy vấn đề này nên được hiểu như thế nào?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Tuần tra 12 hải lý là 'phép thử siêu cường' - 3

Hình ảnh một bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cải tạo trái phép (Nguồn: CSIS).

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Là một trong những vùng biển giàu tài nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng và giá trị trao đổi thương mại hàng năm lên tới hàng ngàn tỉ USD nên Biển Đông hiện nay giữ một vai trò cực kỳ quan trọng mà nước lớn nào cũng có mong muốn tạo ra sự ảnh hưởng của mình ở đó. Có thể kể đến như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản…

Nổi bật trong số phải kể tới Mỹ và Trung Quốc.

Về phía Mỹ, không phải nghiễm nhiên mà chính quyền của Tổng thống B. Obama đã dày công nghiên cứu và cho ra đời chính sách “Hướng đông” của mình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông.

Với vị trí chiến lược quan trọng về vận tải thủy có giá trị thương mại hàng ngàn tỉ USD mỗi năm. Cùng với đó, nếu kiểm soát tốt được tự do về an ninh hàng hải, hàng không tại khu vực này thì sẽ tạo ra một vành đai về chính trị - an ninh và uy tín của Mỹ sẽ được tăng lên đáng kể.

Đối với Trung Quốc thì sao?

Đương nhiên, ngay sau khi lên nắm quyền hồi năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã liên tục thể hiện những bước đi mạnh mẽ trong việc thực hiện ý đồ “độc chiếm Biển Đông” với “Đường lưỡi bò” phi pháp bằng hàng loạt các hoạt động ngang ngược.

Tuy nhiên, “miếng bánh này” không hề dễ nuốt trôi. Nước này luôn vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế về sự ngạo mạn của mình ở Biển Đông. Đặc biệt là hành động cải tạo trái phép 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong hơn 1 năm qua.

Vì thế, tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dường như là bất biến.

PV: Tờ Navy Times (Mỹ) hôm 7/10 vừa qua dẫn thông tin, một số quan chức quân sự cao cấp của hải quân Mỹ - trong đó có Đô đốc Hari Haris, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố sẽ quyết tâm đưa tàu chiến vào tuần tra ở khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo trái phép trên Biển Đông. Ông có bình luận gì về thông tin này?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Như đã phân tích ở trên, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tạo ra cho mình một sức ảnh hưởng ở Biển Đông. Tuy nhiên sẽ ở hai thái cực khác nhau.

Trung Quốc luôn muốn “nuốt trọn” hơn 80% Biển Đông với “yêu sách 9 đoạn” phi pháp.

Còn Mỹ, với tư cách siêu cường số 1 thế giới thì muốn duy trì sự tự do đi lại, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải hàng không trên Biển Đông.

Nếu chính quyền của ông B. Obama phê duyệt kế hoạch của các quan chức Bộ Quốc phòng thì đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, Mỹ thực sự có hành động cứng rắn để thách thức và không công nhận chủ quyền phi lý mà Trung Quốc cố tình tạo ra trên Biển Đông.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay, ngoài các lợi ích về an ninh – chính trị thì lợi ích về kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng.

Lời tuyên bố của một số quân chức quân sự hàng đầu của Mỹ về khả năng đưa tàu vào Biển Đông, cũng như những đáp trả bằng miệng của truyền thông Trung Quốc cho rằng sẽ có quyền khai hỏa nếu Mỹ đưa tàu vào khu vực 12 hải lý có thể chỉ là “phép thử”, đòn ngoại giao mà hai siêu cường này dành cho nhau.

Nhưng nếu đó là sự thật, thì xét trên tình hình thực tế hiện nay, cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn để xảy ra xung đột vũ trang trên Biển Đông vì sẽ “lợi ít hại nhiều”.

Có thể thấy rõ rằng, chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ theo hướng đều đều, lúc nhanh lúc chậm, lúc ào ạt, lúc từ từ để hiện thực hóa âm mưu cả trên thực địa lẫn bàn ngoại giao.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần hết sức tỉnh táo và có những bước đi đúng đắn nhằm bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình trước sự ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đồng thời, củng cố sức mạnh nội tại quốc gia nhằm ứng phó với mọi di biến động của tình hình trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Trung tướng về cuộc trao đổi!

Theo Thảo Phượng – Đình Tuệ

PetroTimes

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Tuần tra 12 hải lý là 'phép thử siêu cường' - 4