1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ thách thức Trung Quốc ở biển Đông

Bất chấp việc Trung Quốc ngang ngược đe dọa sẽ không dung thứ nếu Mỹ đưa tàu chiến đến sát những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông, Washington đang có những bước đi chuẩn bị cho việc thách thức chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.


Tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth bị chiến hạm Trung Quốc bám theo khi tuần tra ở biển Đông hồi tháng 5/2015.

Tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth bị chiến hạm Trung Quốc bám theo khi tuần tra ở biển Đông hồi tháng 5/2015.

Ngày 9/10, sau khi Mỹ tuyên bố sẽ điều tàu chiến vào “vùng 12 hải lý” của các đảo nhân tạo, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tức tối phản ứng: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ nước nào xâm phạm vào vùng lãnh hải và không phận của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa nhân danh việc bảo vệ sự tự do hàng hải và tự do trên bầu trời”. Bà Hoa Xuân Doanh ám chỉ kế hoạch thách thức của Mỹ.

Chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình và bảo đảm tự do thương mại khắp thế giới cho chúng tôi và cho các đối tác”, Tướng Tyson, Tư lệnh hạm đội 3 (Mỹ)

Chuyên gia hải quân Lý Kiệt còn hung hăng đòi hải quân Trung Quốc phái tàu chiến đi chặn tàu chiến của  Mỹ nếu phía Mỹ phớt lờ những lời cảnh báo. Tuy nhiên, Mỹ không nao núng trước phản ứng quyết liệt của Bắc Kinh. Tư lệnh hạm đội 3 Mỹ lập tức tuyên bố hạm đội của ông có thể sẽ giúp thực thi tự do hàng hải gần các hòn đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở biển Đông.

Phó đô đốc Nora Tyson, chỉ huy hạm đội 3 Mỹ có tổng hành dinh tại căn cứ hải quân Point Loma ở San Diego cho biết, sẽ cùng hạm đội 7 thường trực tại Yokosuka (Nhật Bản) nếu được lệnh thực thi tự do hàng hải ở biển Đông. “Chắc chắn hạm đội 3 có thể dễ dàng hoạt động tại tây Thái Bình Dương vì chúng tôi có mọi loại chiến hạm”, bà Tyson trả lời hôm 9/10 khi được hỏi các tàu chiến dưới quyền chỉ huy của bà có thể giúp thực hiện một nhiệm vụ như vậy.

Phó đô đốc Tyson đưa ra phát biểu trên chỉ một ngày sau khi có thông tin Mỹ đang cân nhắc đưa chiến hạm tiến sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông để tỏ thái độ không thừa nhận yêu sách chủ quyền vô lối của Bắc Kinh ở khu vực biển Đông. Điều trần tại quốc hội tháng trước, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hải quân Mỹ đã không tiến vào gần khu vực tranh chấp kể từ năm 2012. Trợ lý bộ trưởng quốc phòng David Shear nói trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ rằng lần gần nhất tàu chiến Mỹ đi vào vùng tranh chấp cách đây đã 3 năm.

Vào tháng 5/2015, tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth (LCS 3) khi thực hiện tuần tra tại biển Đông, gần quần đảo Trường Sa đã xuất hiện tàu hộ vệ tên lửa Yancheng của hải quân Trung Quốc tiến sát ở phía sau, theo thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ vào thời điểm đó. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, đô đốc Harry Harris cũng tuyên bố ông không nhất trí với một đô đốc Trung Quốc ngang nhiên nói rằng biển Đông “thuộc về Trung Quốc”. “Tôi nói rằng biển Đông không phải của Trung Quốc cũng như tên gọi Vịnh Mexico không thể là của Mexico”, đô đốc Harris cho biết.

Đô đốc Harris tuyên bố: “Tôi cho rằng chúng ta cần phải thực thi quyền tự do hàng hải tại khu vực và quyết định nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương chúng tôi thuộc về Tổng thống và Bộ trưởng quốc phòng. Tất cả mọi sự lựa chọn đang được xem xét  và sẽ được thực hiện theo lệnh Tổng thống và ngài Bộ trưởng”, ông Harris nhắc tới Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Ashton Carter.

Tướng Tyson, Tư lệnh hạm đội 3 cho biết đang làm việc với phó đô đốc Joseph Aucoin là tư lệnh hạm đội 7 theo chỉ đạo của Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương đô đốc Scott Swift, nhằm điều các chiến hạm vượt qua các vùng phân giới quốc tế và xóa nhòa sự phân biệt giữa hai khu vực trách nhiệm được phân công của hai hạm đội hải quân Mỹ.

“Chúng tôi đang làm việc với nhau hằng ngày để bảo đảm rằng chúng tôi bổ sung sức mạnh cho nhau. Chúng tôi hiểu rõ Thái Bình Dương và vai trò của mình là gì và chúng tôi có thể hỗ trợ cho nhau ra sao trong bất kỳ kịch bản nào. Hạm đội 3 đang phối hợp với hạm đội 7 để bảo đảm rằng nếu như xảy ra một kịch bản nào phức tạp hơn, chúng tôi cũng có thể hành động cùng nhau rất dễ dàng”, bà Tyson cho biết.

Tháng trước, đúng một ngày trước lễ duyệt binh rầm rộ tại Bắc Kinh, một nhóm tàu hải quân Trung Quốc đã lần đầu tiên được phát hiện sát bờ biển Alaska, đúng thời điểm ông Obama đang dự hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu tại đây. Động thái này nêu bật tham vọng trở thành cường quốc quân sự toàn cầu của Bắc Kinh.

Một quan chức Lầu Năm Góc từ chối cung cấp tên các tàu chiến Trung Quốc, nhưng cho biết nhóm tàu gồm ba chiến hạm, một tàu đổ bộ và một tàu hậu cần. Biên đội 5 chiến hạm Trung Quốc đi vào vùng biển quốc tế ở biển Bering và được nói là đã vào vùng 12 hải lý từ bờ biển Mỹ.

Khi được hỏi về sự kiện này, tư lệnh Tyson tuyên bố: “Một trong những điều quan trọng trên thế giới là tự do thương mại, việc đó giúp cho thế giới phát triển. Để đảm bảo các quốc gia trên khắp thế giới có môi trường ổn định, một nền kinh tế ổn định và chúng ta phụ thuộc vào tự do thương mại trên biển, do đó chúng tôi thực thi quyền tự do hàng hải. Chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình và bảo đảm tự do thương mại khắp thế giới cho chúng tôi và cho các đối tác”.

Theo Thục Ninh

Tiền phong

Mỹ thách thức Trung Quốc ở biển Đông - 2