1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc xây căn cứ quân sự, trồng rau để hiện thực hóa mưu đồ phi pháp

(Dân trí) - Trung Quốc đang gia tăng kiểm soát phi pháp trên các khu vực ở Biển Đông bằng cách tăng cường khả năng quân sự và trồng rau trái phép, trang tin USNI nhận định.

Trung Quốc xây căn cứ quân sự, trồng rau để hiện thực hóa mưu đồ phi pháp - 1

Ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Ảnh: Googe earth)

Tuần trước, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn thạo tin cho biết Trung Quốc được cho là đã lên kế hoạch lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông từ 2010 và chỉ chờ thời điểm để công bố. Theo kế hoạch này, ADIZ sẽ bao phủ khu vực Đông Sa, và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trang tin USNI của Học viện Hải quân Mỹ nhận định rằng Trung Quốc có thể phải mất nhiều năm nữa mới có khả năng kiểm soát khu vực, nhưng Bắc Kinh âm thầm thiết lập một lộ trình để củng cố kiểm soát các tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Trong khi Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, mưu đồ của Trung Quốc nhằm tăng cường các đòi hỏi chủ quyền phi pháp để mở rộng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực đang hình thành cả trên không lẫn trên biển.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã bóng gió về ý định lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là “Đường chín đoạn” hòng kiểm soát kinh tế vùng biển cách Trung Quốc hàng nghìn dặm. Luật pháp quốc tế không ủng hộ các tuyên bố chủ quyền quá đáng này của Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, một phần vì lý do chính trị khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc e ngại trong việc có các động thái vượt quá xa so với trật tự dựa trên các quy định quốc tế.

Ông Greg Poling, một chuyên gia về Đông Nam Á và giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) nói với USNI rằng một lý do quan trọng hơn là các lo ngại về kỹ thuật và hậu cần có thể hạn chế các khả năng của Bắc Kinh nhằm tuyên bố ADIZ ở Biển Đông.

“Lý do để hoãn công bố là họ có thể không đủ khả năng để thực thi nó, ít nhất là tại quần đảo Trường Sa. Nó nằm quá xa Trung Quốc và Bắc Kinh không có không quân đồn trú tại đó”, ông Poling nói.

Theo ông Poling, Trung Quốc không thể thực thi ADIZ mà nước này từng tuyên bố ở Hoa Đông. Trung Quốc không thể kiểm soát các máy bay quân sự từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ hoạt động trong khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố.

Ở Biển Đông, chuyên gia Mỹ nhận định, quân đội Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các thiết bị quân sự hoạt động trong khu vực. Ví dụ, 3 căn cứ không quân và hải quân trái phép trên bãi Chữ thập, Subi và Vành khăn ở quần đảo Trường Sa về mặt lý thuyết có thể giúp Trung Quốc có khả năng để lập ADIZ.

“Chúng ta dự kiến sẽ sớm thấy máy bay chiến đấu đầu tiên được triển khai tới Trường Sa không sớm thì muộn - họ không xây 72 nhà chứa máy bay để để không”, ông Poling nói. “Nhưng vẫn khó để hình dung làm thế nào họ có thể thực thi ADIZ một cách hiệu quả, vì việc bảo dưỡng máy bay để không bị gỉ sét là thách thức lớn”.

Trung Quốc xây căn cứ quân sự, trồng rau để hiện thực hóa mưu đồ phi pháp - 2

Ảnh vệ tinh cho thấy đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: CSIS)

Ông Poling cho rằng, Trung Quốc có thể thăm dò bằng cách lập ADIZ ở quần đảo Hoàng Sa.

Đại tá Hải quân Ấn Độ về hưu Sarabjeet Parmar, giám đốc Quỹ hàng hải quốc gia tại New Delhi, nhận định rằng tầm quan trọng của quần đảo Hoàng Sa đối với các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đang tăng lên, không chỉ là xây dựng các căn cứ quân sự mới.

“Động thái mới nhất là trồng rau ở Hoàng Sa”, ông Parmar nói. “Nhưng để trồng rau, đầu tiên bạn phải có đất, có nước”.

Theo Thời báo hoàn cầu, quân đội Trung Quốc đã trồng rau trên các bãi cát ở Hoàng Sa và giới chức nói việc thử nghiệm này là cách để phục vụ các nhóm sống trên đảo.

Ông Parmar cho rằng nếu có hoạt động nông nghiệp trên các đảo thì họ có thể tạo một thị trường. Việc thiết lập một thị trường nhiều khả năng nằm trong mưu đồ lâu dài của Trung Quốc nhằm sử dụng Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS) để phục vụ các tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình.

“Việc đặt tên các thực thể, trồng rau đều nhằm mục đích đòi chủ quyền”, ông Parmar nói. “Và qua thời gian, khi một hoạt động được xem là bình thường, sức nặng các đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc sẽ tăng lên”.

Ông Parmar cho rằng, khi Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, 12 tháng tới sẽ là giai đoạn quan trọng xét góc độ ổn định hàng hải trong khu vực. Khi các quốc gia dần vượt qua đại dịch Covid-19, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thấy nước này đã đi bao xa trong các đòi hỏi chủ quyền phi pháp trong khu vực.

Về việc lập ADIZ ở Biển Đông, ông Poling nhận định rằng kế hoạch của Bắc Kinh có thể chỉ là một màn “phô trương” của các nhà “ngoại giao chiến lang” Trung Quốc. Nhưng mặt khác, ông Poling cho rằng “họ vẫn có khả năng tuyên bố ADIZ xa hơn về phía nam Biển Đông dù biết rằng làm thế chỉ là phô trương. Dù đó có thể là một ý tưởng tồi tệ nhưng không có gì đảm bảo là Bắc Kinh sẽ không bật đèn xanh cho nó, do tư tưởng dân túy lên cao giữa đại dịch Covid-19”.

An Bình

Theo USNI