Trung Quốc tính xây thêm hàng chục phòng thí nghiệm giữa tranh cãi Covid-19
(Dân trí) - Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng thêm hàng chục phòng thí nghiệm sinh học giữa ồn ào nguồn gốc Covid-19.
Theo Financial Times, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập 25-30 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 và một phòng thí nghiệm ở cấp độ 4. Các phòng thí nghiệm này dự kiến được xây dựng trong 5 năm tới.
Các phòng thí nghiệm cấp độ 4 được quản lý rất chặt chẽ và có tính bảo mật cao. Tuy nhiên, các phòng thí nghiệm cấp độ 3, với các biện pháp kiểm soát lỏng lẻo hơn, lại phổ biến hơn nhiều. Ước tính có hơn 3.000 phòng thí nghiệm cấp độ 3 trên khắp thế giới.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Viện Virus học Vũ Hán, nơi có phòng thí nghiệm cấp độ 4, đang trở thành tâm điểm chú ý trong cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch Covid-19.
Một giả thuyết được đặt ra là virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nơi ghi nhận các ca mắc Covid-19 đầu tiên, trước khi lây lan thành đại dịch toàn cầu.
Theo AFP, Viện Virus học Vũ Hán thuộc nhóm cơ sở nghiên cứu được đảm bảo an toàn nhất, thường được đánh giá ở mức độ an toàn sinh học cấp độ 4, hay BSL4.
Những phòng thí nghiệm như vậy được thiết kế để hoạt động một cách an toàn và bảo mật trước các loại vi khuẩn và virus nguy hiểm nhất, có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng mà chưa có phương pháp điều trị hoặc vắc xin.
Các nhân viên trong phòng thí nghiệm phải đảm bảo sức khỏe bình thường với các chỉ số như thân nhiệt, huyết áp ổn định. Đồ bảo hộ của các nhân viên đều được khử trùng trước khi vào phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm cũng sử dụng công nghệ áp suất phòng âm để đảm bảo không khí tại đây không bị rò ra ngoài mang theo mầm bệnh chết người.
Các nghiên cứu ban đầu của Viện Virus học Vũ Hán tập trung vào bệnh sốt xuất huyết ở Crimea, Congo, dịch Ebola và virus Lassa Tây Phi. Cơ sở này sau đó trở thành trung tâm nghiên cứu toàn cầu về những hệ quả hủy diệt của chủng virus corona - điều mà các nhà khoa học Trung Quốc đã được cảnh báo khi dịch SARS bùng phát tại Đông Á hồi đầu thập niên 2000.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có bằng chứng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, tuy nhiên ông chưa cung cấp những bằng chứng cho cáo buộc này.
Trong khi đó, Yuan Zhiming, giám đốc phòng thí nghiệm an toàn sinh học Vũ Hán thuộc Viện Virus học Vũ Hán, khẳng định hàng loạt biện pháp đã được triển khai để đảm bảo "không một loại virus nào có thể thoát ra ngoài".
Ông Yuan nói phòng thí nghiệm có một hệ thống quản trị chặt chẽ, bao gồm cả quy tắc nghiêm ngặt về việc xử lý chất thải và các vật liệu truyền nhiễm. Toàn bộ các nhà nghiên cứu muốn làm thí nghiệm đều phải trải qua quy trình đánh giá về thể chất và tinh thần. Bất kỳ ai muốn vào phòng thí nghiệm cấp độ 4 đều cần phải được thông qua trước.
Theo Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu, Trung Quốc có mức độ đảm bảo an toàn sinh học ở mức "trung bình" so với mức "cao" của Mỹ. Bắc Kinh đã thông qua luật mới để cải thiện an toàn sinh học vào năm ngoái. Financial Times đưa tin, vào tháng 1/2020, các phòng thí nghiệm sinh học đang nghiên cứu các mẫu Sars-Cov-2 đã được lệnh không tiết lộ thông tin về virus này khi chưa có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc liên tục bác bỏ cáo buộc Covid-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán - nơi có quy trình bảo mật nghiêm ngặt. Mặc dù vậy, vẫn không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ xảy ra các sự cố.