1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm thành tâm điểm tranh cãi?

Thành Đạt

(Dân trí) - Giả thuyết virus SARS-CoV-2 có thể là kết quả của các thí nghiệm khoa học đã thổi bùng cuộc tranh luận về hoạt động của những phòng thí nghiệm sinh học được cho là an toàn nhất thế giới.

Vì sao giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm thành tâm điểm tranh cãi? - 1

Viện Virus học Vũ Hán (Ảnh: AFP).

Mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể nào về mối liên hệ giữa virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 với Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc, song một số chuyên gia muốn tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với các cơ sở như vậy vì lo ngại rằng, sự cố rò rỉ virus có thể gây ra đại dịch tiếp theo cho thế giới.

59 phòng thí nghiệm hàng đầu

Theo AFP, Viện Virus học Vũ Hán thuộc nhóm cơ sở nghiên cứu được đảm bảo an toàn nhất, thường được đánh giá ở mức độ an toàn sinh học cấp 4, hay BSL4.

Những phòng thí nghiệm như vậy được thiết kế để hoạt động một cách an toàn và bảo mật trước các loại vi khuẩn và virus nguy hiểm nhất, có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng mà chưa có phương pháp điều trị hoặc vắc xin.

"Các cơ sở này có các hệ thống lọc điều hòa không khí để virus không thể thoát ra ngoài qua đường khí thải, bất kỳ nước thải nào thoát ra khỏi cơ sở đều được xử lý bằng hóa chất hoặc nhiệt độ cao để đảm bảo rằng không thứ gì có thể tồn tại", chuyên gia Gregory Koblentz tại Đại học George Mason cho biết.

Bản thân các nhà nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm cũng đều được đào tạo chuyên sâu và mặc bộ đồ bảo hộ trong quá trình làm việc.

Theo một báo cáo do chuyên gia Koblentz đồng chủ nhiệm được công bố trong tuần này, có 59 phòng thí nghiệm như vậy trên khắp thế giới,

"Không có tiêu chuẩn quốc tế ràng buộc nào về hoạt động nghiên cứu an toàn, bảo mật và có trách nhiệm đối với các mầm bệnh", báo cáo trên cho biết.

Tai nạn có thể xảy ra

Nhiều vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm từng xảy ra, trong đó có một số vụ xảy ra ở các phòng thí nghiệm cao cấp, trong khi hàng nghìn vụ đã xảy ra ở những phòng thí nghiệm cấp thấp hơn.

Virus H1N1 ở người - tương tự virus cúm đã gây ra đại dịch vào năm 1918 - từng bị rò rỉ vào năm 1977 ở Liên Xô và Trung Quốc, sau đó lan rộng ra toàn thế giới.

Năm 2001, một nhân viên bị rối loạn tâm thần tại một phòng thí nghiệm sinh học ở Mỹ đã gửi các bưu kiện chứa bào tử bệnh than khắp nước Mỹ, khiến 5 người thiệt mạng.

Hai nhà nghiên cứu Trung Quốc nhiễm virus SARS vào năm 2004 đã truyền bệnh cho những người khác, khiến một người thiệt mạng.

Vào năm 2014, một số ít lọ thuốc đậu mùa đã được phát hiện trong một cuộc chuyển văn phòng của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm.

Lynn Klotz, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong suốt nhiều năm về các mối đe dọa đối với sự an toàn của cộng đồng do các phòng thí nghiệm gây ra.

"Sai sót của con người chiếm hơn 70% lỗi trong các phòng thí nghiệm", ông Klotz nói thêm.

Tranh cãi nghiên cứu

Vì sao giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm thành tâm điểm tranh cãi? - 2

Các nhân viên làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán năm 2017 (Ảnh: AFP).

Có sự bất đồng giữa chính phủ Mỹ, bên tài trợ cho nghiên cứu virus corona trên loài dơi ở Vũ Hán, và một số nhà khoa học độc lập, về việc liệu công trình này có phải là nghiên cứu về "đột biến chức năng" (GOF) vốn gây tranh cãi hay không.

Nghiên cứu của GOF đòi hỏi phải sửa đổi các mầm bệnh để khiến chúng dễ lây lan hơn, nguy hiểm hơn hoặc dễ dàng né tránh các loại vắc xin và phương pháp điều trị hơn - tất cả được thực hiện để tìm ra cách chống lại những mầm bệnh này tốt hơn.

Lĩnh vực này từ lâu đã gây tranh cãi. Cuộc tranh luận lên đến đỉnh điểm khi vào năm 2011, hai nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng họ có thể làm cho virus cúm gia cầm lây sang các loài động vật có vú.

Chuyên gia dịch tễ học của Harvard, Marc Lipsitch, lo ngại nghiên cứu GOF sẽ "tạo ra một chủng virus mà một khi lây nhiễm cho nhân viên tại phòng thí nghiệm thì không chỉ khiến nhân viên đó thiệt mạng mà còn gây ra đại dịch".

"Nghiên cứu không cần thiết và không đóng góp vào việc phát triển các loại thuốc hoặc vắc xin", chuyên gia Richard Ebright tại Đại học Rutgers, một trong những người phản đối nghiên cứu GOF, cho biết.

Năm 2014, chính phủ Mỹ thông báo dừng rót vốn liên bang cho hoạt động nghiên cứu GOF, nhưng đến năm 2017 lại đưa ra một quy trình mới, trong đó xem xét việc rót vốn cho từng hồ sơ GOF cụ thể. Tuy nhiên quy trình này đã bị chỉ trích là thiếu minh bạch và không đáng tin cậy.

Vào cuối năm ngoái, một tổ chức phi lợi nhuận đã nhận được tài trợ từ Mỹ để nghiên cứu về "dự đoán khả năng lây lan" của virus corona từ dơi sang người ở Vũ Hán.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội trong tuần này, Francis Collins và Anthony Fauci, hai chuyên gia thuộc Viện Y tế Quốc gia của Mỹ, đã phủ nhận thông tin cho rằng nghiên cứu trên là GOF, nhưng chuyên gia Ebright nói rõ ràng đó là GOF.

Điều gì sắp xảy ra

Theo chuyên gia Ebright, không có điều gì để khẳng định chắc chắn Covid-19 bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm. Thực tế cho thấy chưa có bằng chứng khoa học nào để khẳng định Covid-19 có nguồn gốc tự nhiên hay là kịch bản tai nạn trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, có những bằng chứng ủng hộ cho giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Ví dụ, Vũ Hán nằm cách các hang động từng phát hiện loài dơi mang virus khoảng 1.600 km về phía bắc. Đây là khoảng cách nằm trong tầm bay của loài dơi.

Các nhà khoa học từ Vũ Hán được cho là thường xuyên thực hiện chuyến đi đến các hang động đó để lấy mẫu vật.

Alina Chan, chuyên gia về sinh học phân tử tại Viện Broad, cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động nghiên cứu mầm bệnh nguy hiểm này có xu hướng giảm đi sau đại dịch, thậm chí trên thực tế hoạt động này "có khả năng còn được mở rộng".

Theo Reuters, Tổng thống Joe Biden tuần này đã chỉ đạo cộng đồng tình báo Mỹ "tăng gấp đôi nỗ lực" để điều tra nguồn gốc Covid-19 và báo cáo chính phủ trong vòng 90 ngày. Theo ông Biden, hiện các cơ quan tình báo Mỹ vẫn chia rẽ về việc liệu Covid-19 lây từ động vật sang người hay thoát ra từ phòng thí nghiệm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm