1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghi vấn rò rỉ Covid-19 phơi bày rủi ro từ phòng thí nghiệm

Thành Đạt

(Dân trí) - Giả thuyết Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về mức độ nguy hiểm của các cơ sở nghiên cứu nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Nghi vấn rò rỉ Covid-19 phơi bày rủi ro từ phòng thí nghiệm - 1

Chuyên gia làm việc bên trong Viện Virus học Vũ Hán (Ảnh: AFP).

Thế giới đang chứng kiến mức độ tàn phá khủng khiếp mà một loại virus có thể gây ra cho nhân loại khi chúng nằm ngoài tầm kiểm soát. Khoảng 166 triệu người đã bị nhiễm bệnh chỉ trong 18 tháng.

Theo số liệu được công bố chính thức, tổng số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới tính đến thời điểm hiện tại là 3,4 triệu người. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính số ca tử vong trên thực tế có thể lên tới 8 triệu người, thậm chí cao hơn.

Mỹ vừa tuyên bố sẽ xem xét lại nguồn gốc của virus gây đại dịch Covid-19, trong đó có khả năng virus đã rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, bất chấp việc WHO hồi đầu năm cho rằng giả thuyết này là "cực kỳ khó xảy ra". Tuy vậy, nguy cơ của một mầm bệnh chết người luôn tiềm ẩn.

Được hoàn thiện từ năm 2015 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, Viện Virus học Vũ Hán với chi phí xây dựng 44 triệu USD ban đầu được Viện Khoa học Trung Quốc lên kế hoạch trở thành phòng thí nghiệm của WHO. Theo kế hoạch, đây là một trong vài cơ sở trên thế giới được sử dụng để lưu trữ các mẫu bệnh phẩm nguy hiểm nhất.

Các nghiên cứu ban đầu của Viện Virus học Vũ Hán tập trung vào bệnh sốt xuất huyết ở Crimea, Congo, dịch Ebola và virus Lassa Tây Phi. Viện này sau đó trở thành trung tâm nghiên cứu toàn cầu về những hệ quả hủy diệt của chủng virus corona - điều mà các nhà khoa học Trung Quốc đã được cảnh báo khi dịch SARS bùng phát tại Đông Á hồi đầu thập niên 2000.

Giới chức Trung Quốc liên tục bác bỏ cáo buộc Covid-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán - nơi có quy trình bảo mật nghiêm ngặt. Mặc dù vậy, vẫn không thể loại trừ các sự cố.

Nguy cơ từ các phòng thí nghiệm

Hiện chuyên gia hàng đầu về chiến tranh sinh học đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) xem xét thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát đối với các phòng thí nghiệm, cảnh báo rằng các cơ sở này nếu bị quản lý lỏng lẻo có thể trở thành cánh cửa cho những kẻ khủng bố.

Đại tá Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy Trung đoàn Hóa chất, Sinh học, Phóng xạ và Hạt nhân của Anh, đã nghiên cứu những tác động do chiến tranh hóa học và sinh học gây ra, đặc biệt ở Iraq và Syria.

"Tôi nghĩ những phòng thí nghiệm này là mục tiêu tấn công của những kẻ khủng bố và các đối tượng khác, do vậy chúng ta phải hành động để ngăn chặn nhiều nhất có thể", ông Bretton-Gordon nhận định.

Các biện pháp kiểm soát quốc tế đối với các cơ sở - nơi tạo ra và nghiên cứu các loại virus nguy hiểm - đang cho thấy sự yếu kém một cách đáng lo ngại.

Nghi vấn rò rỉ Covid-19 phơi bày rủi ro từ phòng thí nghiệm - 2

Tấm biển đặt bên ngoài phòng thí nghiệm Porton Down của Anh (Ảnh: Getty).

Những cơ sở nghiên cứu các loại mầm bệnh khác nhau được phân loại tùy theo mức độ rủi ro sinh học tiềm ẩn, từ mức 1 đến mức 4 - mức cao nhất. Khoảng 50 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới thuộc mức 4, trong số đó có phòng thí nghiệm Porton Down, gần Salisbury. Đây là trung tâm nghiên cứu sinh học và hóa học tuyệt mật của Anh.

Porton Down thường được coi là "tiêu chuẩn vàng" về an toàn sinh học và các phòng thí nghiệm mức 4 được quản lý rất chặt chẽ. Tuy nhiên, các phòng thí nghiệm mức 3, với các biện pháp kiểm soát lỏng lẻo hơn, lại phổ biến hơn nhiều. Ông Bretton-Gordon cho biết hiện có hơn 3.000 phòng thí nghiệm mức 3 trên khắp thế giới.

Theo SCMP, Viện Virus học Vũ Hán được cho là là một trong số ít cơ sở trên thế giới có mức độ an toàn sinh học cao nhất. Theo tiêu chuẩn này, không khí và nước tại cơ sở này đều được lọc và xử lý trước khi thoát ra ngoài. Các nhà nghiên cứu cũng bắt buộc phải thay quần áo để đảm bảo an toàn.

Phần lớn các phòng thí nghiệm tiến hành nghiên cứu sinh học, và điều đó thường liên quan đến việc lưu giữ và thử nghiệm các loại virus như Covid-19.

Theo BBC, so với nghiên cứu sinh học, nghiên cứu vũ khí hóa học được quản lý tốt hơn. Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học (OPCW) được thành lập theo Công ước về Vũ khí Hóa học năm 1997 với 193 quốc gia thành viên. Tổ chức này có quyền tiến hành kiểm tra tại chỗ để đảm bảo rằng không có hoạt động nghiên cứu và phát triển bất hợp pháp nào đang được tiến hành.

Trong khi đó, việc kiểm soát nghiên cứu và vũ khí sinh học thường ít nghiêm ngặt hơn. Công ước về vũ khí sinh học (BWC), trong đó cấm vũ khí sinh học và độc hại, có hiệu lực từ năm 1975. Nhưng số quốc gia tham gia BWC ít hơn và cơ chế này cũng không có cách thức để buộc các nước thành viên phải tuân thủ các điều khoản.

Đại tá Bretton-Gordon hy vọng những rủi ro gây ra bởi các trung tâm sinh học trên toàn thế giới sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 vào tháng 6 tới. Ông cũng vận động các bộ trưởng Anh thúc đẩy các biện pháp kiểm soát các cơ sở nghiên cứu sinh học chặt chẽ hơn. Một trong số những người ủng hộ ông có cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus.

"Tôi nghĩ gần như bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng muốn ủng hộ đề xuất này. Các nhà lãnh đạo trên thế giới nên tiếp tục thúc đẩy điều này. Một số người có thể phản đối vì lý do riêng của họ, nhưng tôi nghĩ đa số sẽ muốn như vậy", Tướng Petraeus nói.

Trong nhiều thập niên, các quốc gia buộc phải kiểm soát chặt chẽ hơn vũ khí hạt nhân và sau đó là vũ khí hóa học, cũng như các nghiên cứu để tạo ra chúng. Đã có rất nhiều người thiệt mạng vì những vũ khí này.

Với 8 triệu người có thể đã chết vì Covid-19, khả năng virus thoát ra từ một trong hơn 3.000 phòng thí nghiệm không được kiểm soát kỹ lưỡng khiến mối đe dọa sinh học càng trở nên nguy hiểm hơn.