Trung Quốc "thôn tính" các trụ cột kinh tế Italy
Sau những thương vụ liên tục trong vòng 2 năm qua, với 5 tỉ euro được chi để mua cổ phiếu của hàng loạt tập đoàn lớn có vốn nhà nước, cuộc mua sắm của Bắc Kinh ở Italy vẫn chưa hề có xu hướng dừng lại.
Đêm chủ nhật 22/3, cả Italy rúng động với thông tin Pirelli, một trong những tập đoàn sản xuất lốp xe hơi lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới, sẽ bán 26,2% cổ phiếu của mình cho ChemChina. Tuy nhiên, thương vụ trị giá 7,1 tỉ euro này chưa phải là cuối cùng. Tập đoàn hóa chất quốc gia của Trung Quốc với doanh số năm 2014 lên đến 36 tỉ USD này đã công khai kế hoạch sẽ mua trên 51% cổ phần của Pirelli để trở thành chủ sở hữu thực sự của tập đoàn này. Cụ thể, họ sẽ mua tổng cộng 65% cổ phần của Pirelli, trong khi các chủ đầu tư còn lại sẽ giảm số cổ phần họ giữ xuống còn 35% (22,4% thuộc về những người Italy, trong khi 12,6% là của tập đoàn Nga Rosneft).
Vụ mua bán Pirelli cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn của Bắc Kinh với Italy, coi đó như một bàn đạp để thâu tóm những kĩ nghệ hàng đầu của người Italy và từ đó tiến sâu vào châu Âu. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ồ ạt mua cổ phiếu của các tập đoàn hàng đầu Italy như Generali, ENI, ENEL, Prysmian, Telecom và FIAT. Trong khi đó, State Grid Corp. of China đã mua 35% cổ phần của CDI Reti, công ty mẹ của hệ thống cung cấp khí đốt và năng lượng Terna và SNAM, còn tập đoàn điện Thượng Hải cũng mua 35% cổ phần của tập đoàn năng lượng Ansaldo. Trung Quốc cũng đã nhảy vào thâu tóm một số thương hiệu thời trang và mỹ phẩm của Italy, như nhãn hiệu nổi tiếng Krizia bị hãng thời trang Trung Quốc Marisfrolg thôn tính.
Xu hướng đầu tư này được chính phủ Italy chào mời tích cực bằng việc đích thân Thủ tướng Italy Matteo Renzi, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 6/2014, tuyên bố rằng Italy "nhiệt liệt chào mừng các nhà đầu tư Trung Quốc". Italy coi việc bán cổ phần của hàng loạt tập đoàn có vốn nhà nước là một trong những biện pháp để bù các khoản thâm hụt ngân sách quá lớn do nợ công và vì không có nhà đầu tư nào sốt sắng mua như Trung Quốc.
Xu hướng này cũng phản ánh quan hệ ngày càng bền chặt hơn về thương mại giữa hai nước. Năm ngoái, trong khi hàng loạt hiệp định kinh tế trị giá nhiều tỉ euro được kí kết, kim ngạch thương mại Italy - Trung Quốc đạt xấp xỉ 70 tỉ euro, biến Italy thành bạn hàng lớn thứ 2 của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU).
Báo chí Italy đã mô tả việc Pirelli trở thành một tập đoàn Trung Quốc trong tương lai với những giọng điệu rất thê thảm. Nhật báo “La Repubblica” đã phỏng vấn Giuseppe Berta, một nhà sử học của trường Đại học Bocconi, tác giả của cuốn sách "Con đường phía Bắc: Từ sự thần kì về kinh tế đến quá trình suy thoái".
Ông này cho rằng với việc Pirelli thuộc về Trung Quốc, trong khi các tòa nhà chọc trời được bán cho người Qatar, thành phố Milan, trung tâm kinh tế lớn nhất Italy, đã thoái trào. "Đây là dấu hiệu của một nước Italy chỉ còn đóng vai trò là người sở hữu những thứ để bán chứ không phải là thu hút đầu tư", ông nói. "Thu hút đầu tư là chủ đầu tư tham gia vào hoạt động kinh doanh do người Italy khởi xướng, còn đây là bán mình". Ông cũng cho rằng điều này là do sự sa sút không phanh của nền kinh tế Italy, được thúc đẩy bằng những cuộc khủng hoảng của nền chính trị Italy, với các chính trị gia tham nhũng, bất tài.
Nhật báo kinh tế “Il Sole 24 Ore” cho rằng với một nền kinh tế suy thoái nhất trong các quốc gia hàng đầu EU, Italy buộc phải lệ thuộc vào các nguồn vốn nước ngoài để tồn tại. Trong hoàn cảnh các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng thờ ơ với họ, thì Trung Quốc trở thành vị cứu tinh cho họ. Italy cũng từ đó trở thành "con ngựa thành Troy" trong lòng châu Âu, biến thành bàn đạp để Trung Quốc dần thôn tính nốt châu Âu, không chỉ về kinh tế.