1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc, Thái Lan xây kênh đào nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương

Trung Quốc và Thái Lan đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về dự án xây kênh đào xuyên qua Thái Lan, nối Biển Đông (Thái Bình Dương) với Biển Andaman (Ấn Độ Dương).

Thông tin sơ bộ về dự án

Truyền thông Thái Lan cho biết, Biên bản ghi nhớ (MoU) về dự án này đã được ký kết tại Quảng Châu (Trung Quốc) hồi cuối tuần trước. Khi hoàn thành, kênh đào Kra (lấy theo tên eo đất Kra) sẽ là tuyến đường biển huyết mạch nối giữa châu Á, Trung Đông và châu Âu mà không phải đi qua eo biển Malacca – tuyến hàng hải sầm uất nhất thế giới hiện chuyên chở 40% hàng hóa giao thương toàn cầu.

Kênh đào Kra nối liền Biển Andaman ở Ấn Độ Dương với Biển Đông trên Thái Bình Dương. (Ảnh:
Kênh đào Kra nối liền Biển Andaman ở Ấn Độ Dương với Biển Đông trên Thái Bình Dương. (Ảnh: Iims.org)

Theo dự kiến, dự án mất khoảng 10 năm xây dựng, với tổng mức đầu tư lên đến 28 tỉ USD. Nếu áp dụng những công nghệ mới nhất, thời gian hoàn tất có thể sẽ rút ngắn xuống còn 7 năm, nhưng chi phí đội lên khoảng 36 tỉ USD.

Kra sẽ là kênh đào hai làn, với chiều dài 102km, độ sâu 25m, chiều rộng tầm 400 m (kênh đào Panama hiện chỉ có độ sâu 15m, chiều rộng tại điểm lớn nhất chỉ là 304m). Điểm đầu sẽ là từ tỉnh Satun (Vịnh Amadan) và điểm cuối sẽ là ở Songkhla (Vịnh Thái Lan). Dự kiến tuyến kênh sẽ được đào dọc theo tuyến đường quốc lộ 406, do Công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Kra Trung Quốc – Thái Lan làm chủ đầu tư.

Kênh đào Kra từng được đưa ra thảo luận từ thế kỉ 17, với việc vua Xiêm Narai yêu cầu kĩ sư người Pháp De Lamar tính toán khả năng xây dựng một tuyến đường biển nối Songkhla tới Biển Andaman. Ý tưởng này bị ngừng lại, vì công nghệ lúc đó chưa cho phép, thiếu tiền. Năm 1882, kiến trúc sư xây dựng kênh đào Suez là De Lesseps cũng nhận được một đề nghị tương tự.
 
Sang thế kỉ 20, kế hoạch này bị ngưng lại, do xảy ra hai cuộc chiến tranh thế giới. Đến năm 2005, tờ Washington Post (Bưu điện Washington) tiết lộ thông tin liên quan đến báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld, nói rằng Bắc Kinh tìm cách bỏ vốn và xây dựng kênh Kra nhằm tạo ảnh hưởng tại khu vực. Việc Trung Quốc và Thái Lan ký MoU được xem là thành quả rõ ràng nhất từ trước đến nay liên quan đến Kra.

Lợi ích của các bên

Kênh đào này sẽ rút ngắn được tới 1.200km đối với tàu thuyền trên cung đường từ Ấn Độ Dương (phía Tây) đến Vịnh Thái Lan. Thời gian di chuyển giảm được 2-5 ngày và tàu chở dầu có trọng tải 100.000 DWT có thể tiết kiệm được khoản chi phí lên đến 350.000 USD đối với mỗi chuyến đi. Giới phân tích nhận định, quy mô của kênh đào Kra cho phép mọi loại tàu vận tải cỡ lớn đi qua, kể cả loại tàu chở dầu thô kích cỡ siêu lớn (VLCC).

Với Thái Lan, lợi ích thu được từ dự án này sẽ là nguồn thu thuế trung chuyển, phí cảng biển, tạo làn sóng kích thích đầu tư nước ngoài, cùng với đó là hàng loạt các dự án hạ tầng ăn theo kênh đào. Bangkok cũng hy vọng, kênh đào Kra sẽ tạo ra một bộ mặt kinh tế mới cho khu vực miền Nam, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Từ đây chính quyền có thể kiểm soát tốt hơn an ninh trật tự, khi mà các cuộc tấn công, bạo động tại các tỉnh miền Nam được cho là khởi nguồn từ bất bình đẳng kinh tế.

Quan chức Trung Quốc mô tả, tuyến kênh mới này là một phần trong các dự án hạ tầng thuộc “Con đường tơ lụa trên biển” mà Bắc Kinh đề xuất thời gian gần đây, làm sống lại tuyến hàng hải từ Trung Quốc xuyên qua Đông Nam Á và Ấn Độ Dương tới châu Âu. Bắc Kinh hy vọng, kênh đào Kra sẽ giúp giảm chi phí vận tải dầu nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải tốt hơn so với tuyến đường qua eo biển Malacca.

Quốc gia chịu ảnh hưởng “tiêu cực” có lẽ là Singapore. Ngành giao nhận vận tải biển của nước này trong năm 2014 đã vận chuyển được khoảng 581 triệu tấn hàng hóa bằng đường biển, với khoảng 34 triệu container. Nhưng con số này sẽ giảm đi nhiều nếu Kra chính thức đi vào vận hành.

Theo Hoài Thanh/PhukhetNews, Seatrade Global