1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xây dựng kênh đào Kra lớn nhất Châu Á: Dự án đầy tham vọng

Sau nhiều năm tạm ngừng, mới đây Trung Quốc đã chính thức khởi động lại dự án xây dựng kênh đào nhân tạo lớn nhất khu vực Châu Á mang tên Kra - đi qua eo đất Kra ở miền Nam Thái Lan.

Vị trí dự kiến của kênh đào đi qua eo đất Kra ở miền Nam Thái Lan (Ảnh:

Vị trí dự kiến của kênh đào đi qua eo đất Kra ở miền Nam Thái Lan (Ảnh: China Daily Mail)

Theo kế hoạch vừa được thông qua, Trung Quốc sẽ tiến hành nghiên cứu khả thi dự án trong một năm trước khi đưa ra các quyết định khác.

Thái Lan đã có ý định xây dựng kênh đào Kra từ khá lâu. Tuy nhiên, cách đây 10 năm, các công ty của Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ vấn đề này nhưng không đưa ra kết quả cụ thể nào. Năm ngoái, báo chí Trung Quốc đưa tin Công ty LiuGong Machinery - XCMG và Công ty Công nghiệp nặng Sany chuẩn bị triển khai dự án nhưng sau đó hai công ty trên đều lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, dự án nằm trong khuôn khổ khái niệm "Con đường tơ lụa hàng hải" do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Các chuyên gia phân tích cho rằng, sở dĩ Trung Quốc quan tâm nhiều đến dự án là do những căng thẳng với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông cùng với sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực. Trong trường hợp eo biển Malacca bị đóng do căng thẳng gia tăng, kênh đào Kra sẽ là mạch giao thông sống còn cho việc vận chuyển dầu khí nhập khẩu về Trung Quốc.

Nằm ở eo đất Kra thuộc miền Nam Thái Lan, kênh Kra dự kiến được xây dựng với chiều dài 100km, nối liền Ấn Độ Dương và vịnh Thái Lan. Với kinh phí khoảng 25 tỷ USD, sau khi hoàn thành, đây sẽ là kênh đào nhân tạo lớn nhất Châu Á. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, trao đổi thương mại của khu vực ASEAN và các nước trên thế giới sẽ không thông qua vịnh Malacca mà thay vào đó là kênh Kra với tuyến hành trình được rút ngắn hơn 1.000km so với tuyến đường đi qua eo biển Malacca ngoài khơi bờ biển phía Nam của Malaysia. Bởi Thái Lan nằm ở vị trí chiến lược của khu vực ASEAN, cửa ngõ quan trọng nối với lưu vực sông Mekong và Nam Á. Điều này sẽ giúp tiết kiệm không chỉ thời gian mà còn cả chi phí vận chuyển trong việc trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc với ASEAN.

Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí các nền kinh tế trên thế giới cũng sẽ được hưởng lợi từ kênh đào này, trong đó Thái Lan đương nhiên sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất trong khối ASEAN. Không chỉ có quyền sử dụng kênh đào chiến lược, tác động kích thích tăng trưởng kinh tế của dự án sẽ đem lại ngay từ lúc khởi động công trình. Hơn nữa, Thái Lan còn dự tính mở các đặc khu kinh tế và các khu công nghiệp ngay chính lối vào và lối ra con kênh, đặt trọng tâm vào công nghiệp dầu khí. Một quốc gia nữa cũng sẽ được hưởng lợi từ dự án là Myanmar. Đến nay để xuất khẩu hàng hóa, Myanmar buộc phải đi đường vòng xuống phía Nam qua eo biển Malacca, trong khi quốc gia này lại nằm rất gần với kênh Kra. Ngược lại, có thể Malaysia, Singapore và ngay cả Indonesia sẽ bị mất quyền lợi nếu kênh Kra được hình thành, bởi lưu thông hàng hải trên vùng lãnh hải của họ chắc chắn sẽ bị giảm xuống.

Trung Quốc sẽ mất một năm để nghiên cứu tính khả thi của dự án đầy tham vọng trên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Thái Lan cũng đang cân nhắc việc có để cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư hay không. Kinh nghiệm từ các dự án đường sắt cho Thái Lan thấy rằng, việc xích lại gần với Bắc Kinh về mặt kinh tế cũng có những điểm cần suy tính. Những khoản tín dụng do các ngân hàng Trung Quốc tài trợ các dự án đường sắt tại Thái Lan có lãi suất 4%/năm, cao hơn lãi suất chung của các quốc gia như Nhật Bản dành cho những dự án tương tự. Đó là chưa kể đại bộ phận nhân công tại các công trường có chủ đầu tư Trung Quốc tại Thái Lan sẽ là người Trung Quốc. Vì thế, Bangkok đã từ chối vay tiền của Trung Quốc cho các dự án đường sắt. Trong dự án xây dựng kênh Kra này, Chính phủ Thái Lan sẽ phải cân nhắc nhiều hơn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo Đình Hiệp
Hà Nội mới