Trung Quốc "sốc" vì Slovenia tính cho Đài Loan mở văn phòng
(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc bị "sốc" với việc Slovenia có thể cho phép Đài Loan mở văn phòng, cảnh báo rằng điều này có thể làm tổn hại quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu.
SCMP đưa tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/1 cho biết, họ bị "sốc" về kế hoạch của Slovenia có thể cho phép Đài Loan mở văn phòng tại quốc gia châu Âu.
Ngày 18/1, kênh truyền hình Doordarshan phát sóng một bài phỏng vấn Thủ tướng Slovenia Janez Jansa, trong đó ông tiết lộ kế hoạch của nước này trong việc lập văn phòng thương mại với Đài Loan và ngược lại. Ông cũng chỉ trích các chính sách của Trung Quốc và cảnh báo rằng việc Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên Đài Loan và một số nước châu Âu có thể sẽ phản tác dụng.
Phát ngôn viên của cơ quan ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc rằng những bình luận của Thủ tướng Jansa là "nguy hiểm".
"Nguyên tắc Một Trung Quốc là một chuẩn mực được công nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế và là sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế. Đó cũng là nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc - Slovenia và Trung Quốc - châu Âu", ông Triệu nói.
"Chúng tôi nhận thấy lãnh đạo Slovenia đã ngang nhiên đưa ra những nhận xét nguy hiểm thách thức nguyên tắc Một Trung Quốc và ủng hộ Đài Loan độc lập. Chúng tôi vô cùng sốc vì điều này và hoàn toàn không đồng tình", ông Triệu nói.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, phải thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực. Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo các quốc gia không thiết lập liên lạc chính thức với hòn đảo.
Đài Loan hôm 18/1 cho biết, họ ủng hộ bình luận của ông Jansa và xác nhận rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa hòn đảo và Slovenia về việc 2 bên cùng mở văn phòng đại diện.
Trước đó, Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ và có các động thái đáp trả việc quốc gia châu Âu Lithuania cho Đài Loan mở văn phòng đại diện. Tranh cãi của vụ việc xoay quanh cái tên của cơ sở này là "Văn phòng đại diện Đài Loan", động thái khiến Trung Quốc giận dữ.
"Về mặt chính thức, Liên minh châu Âu ủng hộ Lithuania. Bất cứ áp lực nào đối với Lithuania và một số quốc gia khác ở châu Âu sẽ không có lợi cho chính phủ Trung Quốc. Các mối quan hệ thương mại tốt là vì lợi ích chung. Nếu một bên cố gắng làm tổn hại các mối quan hệ này, có thể họ có lợi trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài chúng ta đều là kẻ thua cuộc", ông Jansa bình luận.