Trung Quốc sắp xây đảo xong, Philippines "cảnh giác" cao độ
(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Philippines ngày 17/6 cho biết nước này đang “cảnh giác” cao độ sau khi Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn thành cải tạo đảo phi pháp ở Biển Đông. Manila hôm nay cũng hối thúc Bắc Kinh chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose. (Ảnh: Rapler)
DOC được ký kết vào năm 2002, quy định các bên trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không được tiến hành các hành động phá vỡ hiện trạng và gây căng thẳng ở Biển Đông. Điều 5 trong Tuyên bố trên ghi rằng các bên trong tranh chấp, trong đó có Trung Quốc cần kiềm chế trong các hành động có thể gây phức tạp hóa tình hình, khiến tranh chấp leo thang và gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định”. |
Phát ngôn viên Jose nhận định các hoạt động của Bắc Kinh “nhằm thay đổi đặc tính và hiện trạng của các thực thể trên Biển Đông” và nhằm tạo nên “sự đã rồi” để gây khó dễ cho vụ kiện của Philippines trước tòa án quốc tế về tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
“Dù mục đích của Trung Quốc trong các hoạt động bồi lấp đảo và xây công trình trên đó là gì, thì vẫn vi phạm Tuyên bố các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) 2002”, Ông Jose nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines hôm nay cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Rapler dẫn lời ông Jose nêu rõ: “Chúng tôi tiếp tục hối thúc Trung Quốc dừng mọi hoạt động cải tạo đảo và xây dựng trái phép trên Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ DOC”.
Hình ảnh cho thấy Trung Quốc tiến hành cải tạo đảo trên bãi đá Tư Nghĩa, thuộc quần đảo Trường Sa. (Ảnh: SMH)
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines được đưa ra một ngày sau khi Bắc Kinh khẳng định sau khi xây xong các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các công trình trên những hòn đảo này để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó có mục đích quân sự.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, thậm chí cả những khu vực cách Trung Quốc đại lục đến 1400km và nằm trên thềm lục địa của Việt Nam hay Philippines.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ vì hành động bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Bắc Kinh đang "tuyên bố chủ quyền" với khoảng 8km2 tổng diện tích các đảo, trong đó có 6km2 vừa mới được xây đắp từ tháng 1/2015.
Bộ Quốc phòng Philippines hôm nay cho biết đường băng dài 3 km mà Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ thập ở quần đảo Trường Sa đủ lớn để phục vụ một máy bay Boeing 747 và đã hoàn thành được 75%.
"Nó có thể trở thành căn cứ hoạt động trong tương lai của Trung Quốc, một điểm tiếp nhiên liệu cho tàu và máy bay", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez nói.
Gần đây, Philippines đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản để củng cố lực lượng bảo vệ bờ biển trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Philippines và Nhật Bản dự kiến tổ chức cuộc diễn tập hải quân chung lần thứ hai vào tuần tới gần Trường Sa, sau một hoạt động tương tự trên Biển Đông trong tháng này.
Một máy bay trinh sát P-3C và một máy bay BNI-2A của Nhật Bản sẽ tham gia diễn tập cùng một tàu tuần tra của hải quân Philippines.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose hôm 15/6 thông báo Tòa án Liên Hợp Quốc ở The Hague, Hà Lan, sẽ tiến hành phiên điều trần về vụ khiếu kiện của Manila đối với Bắc Kinh từ ngày 7/7 tới. Theo ông Jose, phiên đối chất sẽ kéo dài từ ngày 7/7 đến 13/7. Các quan chức và nhà ngoại giao của Philippines, với sự hỗ trợ của các luật sư Mỹ, sẽ đại diện cho Manila trong quá trình tố tụng. Phía Philippines cho biết các cuộc điều trần tháng tới đóng vai trò then chốt nhằm xem xét giá trị pháp lý của khiếu nại do Manila đưa ra và quyền tài phán của tòa án với vụ việc. Manila đã đệ đơn kiện lên tòa án Liên Hợp Quốc từ tháng 1/2013, nhằm khẳng định rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là vô giá trị và trái với luật pháp quốc tế. |
Thoa Phạm
Theo Rapler, AFP