1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố sắp cải tạo xong các bãi đá ở Biển Đông

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay 16/6 tuyên bố: Bắc Kinh sắp hoàn thành dự án cải tạo các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sẽ chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích dân sự và quân sự tại đây.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố sắp cải tạo xong các bãi đá ở Biển Đông

Hình ảnh cho thấy Trung Quốc tiến hành cải tạo đảo trên bãi đá Tư Nghĩa, thuộc quần đảo Trường Sa. (Ảnh: SMH)

Báo chí phương Tây dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đưa ra tuyên bố trên trong buổi họp báo sáng nay 16/5 ở Bắc Kinh. "Việc cải tạo đá sắp hoàn thiện, giai đoạn sắp tới chúng ta sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các mục đích đề ra”, ông Lục nói.

Phát ngôn viên Lục cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng việc xây dựng trên “quần đảo Nam Sa” (cái tên Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) nhằm phục vụ các nhu cầu dân sự như tìm kiếm và cứu nạn trên biển, cứu trợ thiên tai, bảo vệ môi trường và an ninh hàng hải, cùng các mục đích quân sự.

Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền với gần như với toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines. 

Biển Đông là nơi có tiềm năng dầu khí và là tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất. Mỗi năm có tới  5.000 tỷ USD hàng hóa được vận chuyển qua khu vực này.

Gần đây, để đẩy mạnh yêu sách vô lý trên Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đảo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm xây dựng căn cứ quân sự và chiếm quyền kiểm soát hàng hải. Bắc Kinh lớn tiếng nói rằngdự án này là "hợp pháp và trong phạm vi chủ quyền" của nước này (?) 

Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Philippines và các nước trong khu vực cũng như Mỹ và đồng minh, Trung Quốc vẫn tiến hành cải tạo ở hàng loạt bãi đá trên Biển Đông và đưa vũ khí tới đây. Động thái khiêu khích này càng khiến quốc tế quan ngại nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông.

Đầu tuần này, tân Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Tokyo rằng việc Trung Quốc tiếp tục các hoạt động cải tạo trái phép trên Biển Đông “làm tăng thách thức” và buộc Mỹ phải tiếp tục “đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề này”.

Nếu Trung Quốc tiếp tục các hành vi hiếu chiến tại Biển Đông, Mỹ có quyền rút lại lời mời nước này tập trận hải quân đa phương RIMPAC trên Thái Bình Dương vào năm 2016, Đô đốc Hải quân Mỹ Harry Harris tuyên bố.

Thoa Phạm 
Tổng hợp