1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc: Ông Tập Cận Bình đã nắm "siêu" quyền lực với quân đội?

Việc ông Tập Cận Bình bất ngờ trở thành Tổng Tư lệnh quân đội Trung Quốc đã kích hoạt bước “đại nhảy vọt” về tham vọng quân sự của nước này.

6 tháng sau ngày ông Tập Cận Bình đã tuyên bố thiết lập Bộ Tổng Tư lệnh mới, một động thái được cho là nhằm điều phối tốt hơn hoạt động của các đơn vị trong quân đội Trung Quốc, vị Chủ tịch Trung Quốc bất ngờ xuất hiện thêm một chức vụ mới là Tổng Tư lệnh quân đội Trung Quốc (Commander in Chief).

Ông Tập Cận Bình đảm nhận chức vụ Tổng Tư lệnh quân đội Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Ông Tập Cận Bình đảm nhận chức vụ Tổng Tư lệnh quân đội Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trước khi nhận chức mới, ông Tập Cận Bình đang giữ 3 chức vụ quan trọng nhất là Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC) Trung Quốc.

Theo giới phân tích Mỹ, chức danh mới của Chủ tịch Trung Quốc hàm ý bổ sung quyền lực, tăng quyền nắm giữ và cải cách triệt để quân đội.

Thách thức từ trong nước

Trung Quốc đang đối mặt với thách thức đáng kể là hoạt động chống khủng bố ở Tân Cương và đảm bảo an ninh nội địa.

Vấn đề củng cố an ninh nội địa được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề cập trong bản báo cáo trước quốc hội ngày 5/3 rằng chi tiêu quân sự của nước này trong năm nay sẽ tăng 7,6%, lên mức 954,35 tỷ nhân dân tệ (khoảng 146,67 tỷ USD).

Năm 2015, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng 10,1%, lên mức 886,8 tỷ nhân dân tệ. Tính bình quân từ năm 2005-2014, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 9,5% mỗi năm, theo ước tính của Lầu Năm Góc. Điều này phản ánh những mối lo ngại về an ninh đang ngày càng gia tăng của giới chức Bắc Kinh và cụ thể là của Chủ tịch Tập Cận Bình khiến ông Tập đẩy nhanh hết mức tiến trình cải tổ quân đội, cải tổ sâu sắc về mặt cơ cấu.

Ông Tập Cận Bình đã giải thể bốn tổng cục của quân đội phụ trách hậu cần, vũ khí, tuyển dụng và chính trị đồng thời với chính sách đả hổ diệt ruồi, do lãnh đạo những nơi này để xảy ra vấn nạn mua bán cấp bậc. Tất cả giờ sáp nhập vào Quân ủy Trung ương do ông Tập làm chủ tịch.

Ông Tập Cận Bình cũng có kế hoạch từ năm 2020 cắt giảm 300.000 quân, đạt quy mô lớn nhất trong 20 năm qua. Tiếp đến, quân đội được chia làm nhiều nhánh. Bên cạnh lục quân, hải quân và không quân, còn lập thêm bộ tham mưu bộ binh và một đơn vị chiến tranh mạng. Đặc biệt là lực lượng tên lửa, phụ trách tên lửa đạn đạo, được ông Tập giao nhiệm vụ phải là trung tâm của răn đe chiến lược.

Trang Business Insider nhận định Trung Quốc đang đẩy nhanh hết mức kế hoạch cải cách quân đội trước năm 2020 theo “mong muốn táo bạo và mạo hiểm” của ông Tập Cận Bình.

Báo chí Mỹ cũng phân tích về khả năng nếu cuộc cải cách quân đội của ông Tập không đạt được kết quả như mong muốn, ông sẽ đối mặt với hậu quả khó lường.

Sự bất tuân của một bộ phận quan chức với chỉ đạo ông Tập được cho sẽ tạo thành thách thức, lực cản đối với những chính sách của chủ tịch Trung Quốc, song lại là yếu tố thúc đẩy ông củng cố hơn nữa quyền lực của mình ở những thời điểm mang tính quyết định, cụ thể là Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc sẽ diễn ra vào năm 2017.

Tranh giành ảnh hưởng với Mỹ ở châu Á

Tờ Liberation (Pháp) nhìn nhận ông Tập đang kiểm soát quyền lực trong quân đội ở mức độ cao hơn so với hai người tiền nhiệm là ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào với tham vọng vươn lên đối trọng với vai trò của Mỹ ở châu Á, thậm chí cao hơn nữa là khống chế châu Á: “Nếu điều đó thành hiện thực, Trung Quốc có thể đẩy nhanh tốc độ hiện thực hóa Trung Hoa mộng, thách thức địa vị lãnh đạo của Mỹ ở châu Á”.

Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Chữ Thập ở Biển Đông. (Ảnh AP)
Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Chữ Thập ở Biển Đông. (Ảnh AP)

Nhiều tháng qua, bất chấp sự phản đối của cộng đồng thế giới, Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo với các đường băng, trạm radar… Bắc Kinh cũng đồng thời quân sự hóa các đảo nhỏ, gây mâu thuẫn với Philippines, Việt Nam, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Trong cuộc điều trần hôm 23/2 tại Thượng viện Mỹ, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương đã tố cáo ý đồ của Trung Quốc muốn làm bá chủ khu vực khi cho triển khai tên lửa và radar tại Biển Đông: “Trung Quốc làm tất cả rốt cuộc là để cố kiểm soát được các tuyến đường biển và đường không tại Biển Đông”, một khu vực quan trọng của thương mại quốc tế, với 5.300 tỷ USD hàng hóa trong đó có 1.000 tỷ USD cung ứng cho Mỹ.

Trong cuộc họp báo ngày 8/3 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Lịch sử sẽ chứng minh ai mới là chủ nhân của Biển Đông”. Phát biểu của Vương Nghị được xem như lời tuyên bố mới nhất về ý đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Gần đây nhất, việc Trung Quốc bắn thử tên lửa liên lục địa DF-41 “gần Biển Đông” được cho là động thái thách thức Chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ, đẩy khu vực Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương vào một cuộc chạy đua phòng thủ.

Nhà phân tích quốc phòng Craig Caffrey, tạp chí IHS Jane cho biết: “Căng thẳng ở khu vực châu Á - Thái BÌnh Dương đã thúc đẩy một quá trình hiện đại hóa quân sự ở một số nước. Trung Quốc đã đi nước cờ nguy hiểm khi thách thức Mỹ và thúc đẩy Philippines, Indonesia, Nhật Bản, Việt Nam gia tăng vũ trang. Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào của việc xu hướng này sẽ kết thúc”./.

Theo Ngân Giang/VOV.VN