1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc muốn lập mạng lưới vệ tinh giám sát toàn cầu sau vụ MH370

(Dân trí) - Trung Quốc đang tính chuyện lập một mạng lưới bao gồm hơn 50 vệ tinh, cho phép nước này có khả năng giám sát toàn bộ thế giới, sau vụ mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370.

Bắc Kinh muốn giám sát trái đất bằng hệ thống vệ tinh rộng lớn.
Bắc Kinh muốn giám sát trái đất bằng hệ thống vệ tinh rộng lớn.

Các nhà khoa học Trung Quốc tham gia dự án cho hay, Bắc Kinh đang cân nhắc tăng cường mạng lưới các vệ tinh quan sát và do thám để có thể giám sát toàn bộ hành tinh.

Theo đó, chính phủ Trung Quốc có thể chế tạo hơn 50 vệ tinh mà giới nghiên cứu nước này nói rằng có thể biến mạng lưới giám sát vệ tinh của Bắc Kinh sánh ngang, thậm chí lớn hơn của Mỹ.

Sự giận dữ đối với cuộc tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines trong 3 tuần qua đã khiến dự án trên nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới chức tại Bắc Kinh, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết.

"Nếu chúng ta có một mạng lưới giám sát toàn cầu lúc này, chúng ta đã không phải tìm kiếm trong bóng tối. Chúng ta sẽ có cơ hội lớn hơn nhiều nhằm tìm kiếm chiếc máy bay và tìm ra vị trí cuối cùng của nó", giáo sư Chi Tianhe, một nhà nghiên cứu tại Viện trái đất số và viễn thám thuộc Họ viện khoa học Trung Quốc, nói.

"Kế hoạch đang được phác thằm mở rộng khả năng giám sát khu vực của chúng tôi lên quy mô toàn cầu", ông Chi cho biết thêm.

Số lượng các vệ tinh quan sát và do thám hiện do Trung Quốc vận hành, vốn chủ yếu tập trong vào nước này và khu vực lân cận, là một bí mật quốc gia, nhưng ông Chi ước tính rằng Mỹ có khoảng 50 vệ tinh tương tự.

Dự án có thể thay đổi "cuộc chơi"

Mặc dù chưa rõ khi nào dự án của Bắc Kinh có thể khởi động, nhưng nếu được chính phủ phê chuẩn, các vệ tinh có thể được phóng chỉ trong 2 năm, theo ông Chi.

Một vệ tinh tiêu tốn khoảng 400 triệu nhân dân tệ (gần 65 triệu USD) để chế tạo, theo ước tính của các chuyên gia trong ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc, đồng nghĩa với việc tổng ngân sách cho dự án có thể lên tới ít nhất 20 tỷ nhân dân tệ (3,3 tỷ USD).

Sau khi chuyến bay MH370 của Malaysia mất tích, Viện Công nghệ Trung Quốc đã chuyển một lá thư của các nhà khoa học cấp cao gửi các lãnh đạo nhà nước thúc giục họ khởi động việc xây dựng một mạng lưới giám sát vệ tinh toàn cầu sớm nhất có thể, theo các nguồn tin thân cận với Viện này.
 
Bắc Kinh muốn giám sát trái đất bằng hệ thống vệ tinh rộng lớn.
Trung Quốc đã triển khai hơn 20 vệ tinh phục vụ cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines.

Giáo sư Liu Yu, một chuyên gia về viễn thám tại Trường khoa học trái đất và vũ trụ thuộc Đại học Peking, cho biết dự án trên rất có tham vọng và nếu được phê chuẩn sẽ giúp thay đổi khả năng của Trung Quốc trong việc tiến hành hoạt động quan sát từ vũ trụ.

Theo Hiệp hội các nhà khoa học (UCS) tại Mỹ, hiện có hơn 1.000 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo, nhưng hầu hết là phục vụ viễn thông và khoảng 150 trong số đó là các vệ tinh giám sát quân sự, viễn thám và quan sát trái đất.

"Các dịch vụ quan sát trái đất quốc tế hiện nay hầu hết do Mỹ và các quốc gia châu Âu thống trị, nhưng nếu Trung Quốc phóng hơn 50 vệ tinh cho mục đích này, cuộc chơi sẽ thay đổi", ông Liu Yu cho biết.

"Ngày càng có nhiều vệ tinh của Trung Quốc trong vũ trụ thì công việc của chúng tôi càng trở nên dễ dàng hơn. Bằng việc phân tích dữ liệu từ nhiều vệ tinh đặt ở các địa điểm khác nhau và được trang bị các thiết bị cảm biến khác nhau, chúng tôi có thể hiểu hơn một khu vực cần quan tâm", ông Liu nói thêm.

Những thách thức

Tuy nhiên, dự án cũng đối mặt với các thách thức về mặt công nghệ nếu được chính phủ phê duyệt.

Trung Quốc phóng khoảng 15 vệ tinh thông thường mỗi năm và có thể cần nhân đôi con số đó nếu muốn đạt mục tiêu nhanh chóng triển khai một mạng lưới toàn cầu.

Điều đó có thể kéo căng khả năng giới hạn của các trung tâm vũ trụ hiện thời như Jiuquan , Taiyuan và Xichang, vốn cũng tham gia vào các sứ mệnh khác, trong đó có việc thám hiểm mặt trăng và các chuyến bay vũ trụ có người lái.

Nhưng việc nâng cấp trung tâm phóng lớn nhất của Trung Quốc tại Wenchang, tỉnh Hải Nam đã hoàn tất, và vụ phóng đầu tiên tại đây dự kiến diễn ra trong năm nay.

Điều đó có thể đẩy mạnh đáng kể khả năng phóng tên lửa của Trung Quốc và có thể khiến dự án vệ tinh trở nên khả thi, các chuyên gia trong ngành công nghiệp vũ trụ cho biết.

Các nhà khoa học cũng cần cải thiện chất lượng kỹ thuật của thiết bị chụp ảnh được sử dụng trong các vệ tinh, theo ông Liu Yu, mặc dù Trung Quốc đã đạt được các tiến bộ.

Giáo sư Guo Ziqi, cũng đang công tác tại Viện trái đất số và viễn thám, cho hay 50 vệ tinh mới có thể sẽ do nhiều bộ quản lý, khiến việc phối hợp trở nên khó khăn.

Trung Quốc hiện không có một cơ quan trung ương để điều phối vị trí hoặc nhiệm vụ của các vệ tinh, ông Guo nói.

Giáo sư Zhao Chaofang, một nhà hải dương học tại Đại học Dại dương Trung Quốc tại Thanh Đảo, cho hay Trung Quốc cũng cần xây dựng thêm các trạm mặt đất ở trong và ngoài nước để tối đa hóa tốc độ truyền về dữ liệu.

"Nhiều vệ tinh Trung Quốc chỉ có thể gửi dữ liệu khi bay qua Trung Quốc, vì vậy đôi khi dữ liệu mà chúng tôi nhận được chỉ là một phần nhỏ trong khối lượng dữ liệu mà các vệ tinh thu thập được", ông Zhao cho biết.

"Để xây dựng một mạng lưới giám sát toàn cầu hiệu quả như của Mỹ, các trạm mặt đất của chúng tôi cũng phải được mở rộng ở nước ngoài", ông Zhao nhấn mạnh.

An Bình