1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc lợi dụng vụ tìm kiếm MH370 để do thám các nước?

(Dân trí) - Cuộc tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines đã khiến Trung Quốc trở thành “nhân vật chính”, nhưng các quốc gia khác tham gia vào nỗ lực tìm kiếm nghi ngờ rằng cường quốc châu Á lợi dụng cơ hội này để do thám.

Trung Quốc lợi dụng vụ tìm kiếm MH370 để do thám các nước?

Máy bay Trung Quốc được triển khai tới thành phố Perth (Úc) để phục vụ việc tìm kiếm MH370.
 
Tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đưa tin, dù có thiện chí trong sứ mệnh tìm kiếm quốc tế nhưng đã xuất hiện những phản đối về sự tham gia của Trung Quốc sau những nghi ngờ liên quan tới các động cơ của Bắc Kinh.

Một quan chức quân đội cấp cao của Ấn Độ nói với tờ WSJ rằng một đề nghị của Trung Quốc nhằm cho phép các tàu nước này vào tìm kiếm MH370 trong lãnh hải Ấn Độ gần quần đảo Andaman đã bị từ chối hồi tuần trước do lo ngại rằng Bắc Kinh sử dụng sứ mệnh tìm kiếm làm cái cớ để thu thập thông tin tình báo về các cơ sở quốc phòng quan trọng.

“Họ có thể lợi dụng tình huống và cố gắng vào khu vực. Chúng tôi có tất cả các phương tiện hiện đại để tự tìm máy bay nếu nó rơi xuống vùng biển Ấn Độ”, quan chức Ấn Độ giấu tên nói.

Chuyên gia Brahma Chellany, từ Trung tâm nghiên cứu chính sách tại New Delhi, cho hay Trung Quốc cũng đang sử dụng chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia “để tạo lợi thế quân sự như một ví dụ mới nhất cho thấy nước này ngày càng trở nên mạnh mẽ, quyết đoán”.

Còn ông Rory Medcalf, giám đốc chương trình an ninh quốc tế từ Viện chính sách quốc tế Lowy (Úc), cho rằng sứ mệnh tìm kiếm của Trung Quốc được xem như một “lời nhắc nhở rằng Trung Quốc sẵn sàng triển khai các lực lượng tới những nơi xa xôi, hẻo lánh để trợ giúp các công dân của họ”.

Trung Quốc đã điều vài tàu hải quân cũng như các máy bay tới khu vực tìm kiếm ở nam Ấn Độ Dương, và đã triển khai 21 vệ tinh để rà soát hành lang tìm kiếm để dò tìm các tín hiệu của MH370.

“Trung Quốc, dù là hải quân hay lực lượng bảo vệ bờ biển, chưa từng tiến hành một chiến dịch nào với quy mô như vậy”, ông Gary Li, một nhà phân tích cấp cao tại hãng nghiên cứu hàng hải IHS Maritime (trụ sở Mỹ), nhận định.

“Việc họ huy động nhanh các lực lượng là đều khá ấn tượng. Chúng ta trước đây thường quen với việc người Trung Quốc thường không thích mạo hiểm”, ông Li nói thêm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nói với WSJ rằng Trung Quốc đã cho thấy các hạn chế của riêng mình trong việc “phô trương sức mạnh quân sự” khi phái 2 máy bay tầm xa IL-76, vốn là các máy bay vận tải mà không có khả năng gì đặc biệt, cho một cuộc tìm kiếm trên biển.

Ông Li cho hayTrung Quốc chỉ cử một tàu cung ứng hỗ trợ tìm kiếm chứng tỏ rằng các tàu Trung Quốc có thể gặp khó khăn khi hoạt động quá xa nhà.

Nhà phân tích cấp cao từ Viện chính sách chiến lược Úc, ông Andrew Davies, nói với WSJ rằng sự đóng góp dễ nhận thấy của Trung Quốc trong nỗ lực tìm kiếm MH370 xuất phát từ mong muốn "tạo uy tín" trong một chiến dịch mà cả "khán giả" trong nước và toàn cầu đều dõi theo.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như thiếu một máy bay tuần tra hàng hải tầm xa, chuyên dụng với các radar hiện đại để trợ giúp cuộc tìm kiếm, ông Davies nhận định.

“Các khả năng tầm xa của Trung Quốc dường như còn non trẻ”, ông Davies nói, liên hệ tới các tên lửa chính xác được thiết kế để ngăn chặn cá tàu và máy bay nước ngoài vào lãnh hải Trung Quốc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Trước MH370, các chiến dịch lớn nhất mà hải quân Trung Quốc thường thực hiện là các sứ mệnh phối hợp chống cướp biển ở Vịnh Aden. Tuy nhiên, các hoạt động này thường chỉ bao gồm 2 tàu chiến và 1 tàu cung ứng.

Hải quân Trung Quốc hồi tháng 1 năm nay cũng điều 3 tàu đi qua Biển Đông và phía nam Indonesia vào Ấn Độ Dương, một động thái gây lo ngại đối với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, hoặc ít nhất là những nước lo ngại về các hệ quả của việc Trung Quốc vươn lên vị thế siêu cường.

WSJ cho rằng các khả năng thực sự của Trung Quốc có thể không ấn tượng bằng thông điệp mà Trung Quốc gửi đi với thế giới và người dân nước này về sự phản ứng mạnh mẽ đối với việc máy bay mất tích, một sự huy động trái ngược hẳn với những phản ứng yếu ớt trước đó, sau khi bị chỉ trích về cách thức đối phó với siêu bão Haiyan vốn tàn phá Philippines hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, sự tham gia của Trung Quốc trong sứ mệnh quốc tế lần này không phải là không gặp rắc rối, khi chiến dịch cứu hộ chuyển hoàn toàn sang nam Ấn Độ Dương, nơi MH370 được cho là đã bị rơi.

Trung Quốc đã vấp phải một trục trặc khi các máy bay vận tải tầm xa IL-76 của không quân nước này và phi hành đoàn hạ cánh sai địa điểm sau khi tới Úc hôm 22/3. Họ hạ cánh xuống sân bay Perth, thay vì căn cứ không quân Pearce, cách đó 42 km về phía bắc.

Sai sót trên cho thấy các phi cơ Trung Quốc hiếm khi bay xa về phía nam để hợp tác cùng các nước khác như Úc, Nhật, New Zealand và Mỹ, vốn quen với việc triển khai các lực lượng.

Các nhóm tìm kiếm Trung Quốc đã tham gia chiến dịch tìm kiếm ở nam Ấn Độ Dương hôm 24/3 và trong vòng vài giờ sau khi cất cánh, một thành viên phi hành đoàn thông báo đã nhìn thấy các vật thể trôi nổi tại khu vực tìm kiếm, mặc dù họ không thể xác nhận chúng có liên quan tới chiếc máy bay mất tích của Malaysia hay không.

An Bình
Theo WSJ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm