1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc "mất điểm" với thế giới vì viện trợ khiêm tốn cho Philippines

(Dân trí) - Trong một động thái hiếm thấy, tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh về khoản viện trợ chỉ 100.000 USD cho Philippines. Hàng loạt tờ báo lớn như Time, AFP, ABC, Sky news... đã "mỉa mai" khoản viện trợ khiêm tốn này.

Thông điệp S.O.S kêu gọi cứu trợ khẩn cấp tại thị trấn ven biển Tanawan, miền trung Philippines.

Thông điệp S.O.S kêu gọi cứu trợ khẩn cấp tại thị trấn ven biển Tanawan, miền trung Philippines.

Siêu bão Haiyan, một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử thế giới và mạnh nhất thế giới kể từ đầu năm nay, đã đổ bộ vào Philippines hôm 8/11, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và gây thiệt hại nặng nề cho 6 hòn đảo ở miền trung Philippines.

Liên hợp quốc ước tính khoảng 11 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi siêu bão, khiến khoảng 700.000-800.000 người bị mất nhà cửa và có thể khiến 10.000 người thiệt mạng. Tổng số người chết được chính phủ Phippines công bố tính tới ngày 13/11 là 2.275 người và con số này được dự đoán còn tăng.

Trong khi đó, những người sống sót đang rất cần thực phẩm, nước uống, lều bạt, hệ thống vệ sinh và các thiết bị y tế. Liên hợp quốc đã viện trợ 25 triệu USD để trợ giúp những người sống sót và đang kêu gọi thế giới tăng cường trợ giúp Philippines khắc phục hậu quả siêu bão.

Đó là nơi một số nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể trợ giúp.

Mỹ, một đồng minh của Philippines, đã tuyên bố viện trợ nhân đạo 20 triệu USD cho Phippines. Ngoài ra, Mỹ cũng điều tàu sân bay hạt nhân USS George Washington, chở 5.000 thủy thủ và hơn 80 máy bay, cùng 4 tàu chiến khác và các lính thủy quân lục chiến tới Philippines.

Anh cũng điều một tàu chiến, một máy bay vận tải và cam kết viện trợ 16 triệu USD cho Philippines. Vatican trợp giúp 4 triệu cho Philippines, trong khi Nhật Bản viện trợ 10 triệu USD và New Zealand trợ giúp 1,7 triệu USD.

Vậy còn Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất hành tinh và nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới - viện trợ nước láng giềng ra sao?

Ngày 11/11, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã thông báo viện trợ cho Philippines 100.000 USD. Con số này đã khiến nhiều người bất ngờ khi chỉ bằng 1/200 gói viện trợ của Mỹ dành cho Philippines.

Dường như ngay cả một tờ báo của nhà nước Trung Quốc cũng không đồng tình với khoản viện trợ ít ỏi của Bắc Kinh dành cho Manila. Chuyện viện trợ của Trung Quốc cũng trở thành chủ đề bàn luận của báo chí thế giới.

Trung Quốc nên đặt sang một bên cuộc tranh chấp lãnh thổ với Philippines để trợ giúp các nạn nhân của bão Haiyan, tờ Thời báo Hoàn cầu viết trong bài xã luận đăng tải ngày 12/11 được hãng tin Pháp AFP dẫn lại.

"Cần phải viện trợ cho nạn nhân siêu bão tại Philippines", tờ báo viết.

Nhưng tờ báo cũng nói thêm: "Hình ảnh trên thế giới của Trung Quốc là có ý quan trọng đối với lợi ích của đất nước. Nếu lạnh nhạt với Manila lúc này, Trung Quốc sẽ hứng chịu những tổn thất lớn".

"Viện trợ cho nạn nhân bão là viện trợ nhân đạo, hoàn toàn khác với viện trợ nước ngoài trước đây, vốn được quyết định dựa trên các quan hệ chính trị", Thời báo Hoàn cầu khẳng định.

Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập niên đã đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Nhưng Bắc Kinh từ lâu đã bị cáo buộc là dùng viện trợ và thương mại để đạt được mục đích riêng, đặc biệt tại châu Phi, nơi ảnh hưởng của Trung Quốc đã gia tăng trong những năm gần đây.

Tờ Time của Mỹ viết, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã sụt giảm trong năm qua, khi căng thẳng gia tăng xung quanh một bãi cạn ở Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Mặc dù các tranh chấp ở Biển Đông đã tồn tại nhiều thập niên và liên quan tới các quốc gia khác trong khu vực, nhưng Bắc Kinh trong những tháng gần đây đã ngày càng hung hăng trong các tuyên bố chủ quyền trên biển và năm ngoái đã chặn các ngư dân Philippines vào các vùng biển tranh chấp.
 
Thông điệp S.O.S kêu gọi cứu trợ khẩn cấp tại thị trấn ven biển Tanawan, miền trung Philippines.
Các binh sĩ Philippines và Đài Loan phối hợp bốc dỡ hàng cứu trợ từ một máy bay vận tải tại sân bay Mactan-Cebu tại Philippines. Đài Loan đã điều 2 máy bay vận tải chở 15 tấn hàng cứu trợ tới Philippines.

"Là một cường quốc có trách nhiệm, Trung Quốc nên tham gia vào các hoạt động cứu trợ để trợ giúp quốc gia láng giềng đang hứng chịu thảm họa, bất kể mối quan hệ có thân thiện hay không", Thời báo Hoàn cầu viết.

Giới chuyên gia cho rằng nhân tố chính trị đã ảnh hưởng tới quyết định viện trợ của Bắc Kinh cho Manila. Time đưa tin, chỉ 2 tháng trước khi Pakistan bị rung chuyển bởi trận động đất mạnh 7,7 độ richter, Trung Quốc đã cam kết viện trợ 5 triệu USD cho quốc gia Nam Á.

"Tôi cho rằng việc viện trợ và cứu trợ cho các thảm họa thiên nhiên không nên bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ chính trị... Trung Quốc nên nắm lấy cơ hội này để cải thiện hình ảnh", trang Sky News của Anh dẫn lời ông Joseph Cheng, một giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học City ở Hồng Kông.

Trang tin ABC của Úc viết Trung Quốc - với khoản viện trợ ban đầu chỉ 100.000 USD - đang đánh mất cơ hội chứng tỏ sự hào hiệp và vai trò đi đầu trong công tác cứu trợ thảm họa.

Trong khi đó, sự phản ứng nhanh của các lực lượng quân đội Mỹ đang gửi đi một tín hiệu được cả khu vực chú ý.

Hành động của Mỹ có thể cho thấy một ý nghĩa với trong cái gọi là chính sách xoay trục sang châu Á, vào thời điểm một số nhà quan sát bắt đầu nghi ngờ về cam kết của Washington.

Tờ Time viết, thông qua chuyện viện trợ, hình ảnh Trung Quốc đã trở nên xấu xí trước cộng đồng quốc tế. Trung Quốc không phải là nước duy nhất có tranh chấp hàng hải với Philippines. Hồi tháng 5, một ngư dân Đài Loan đã bị lính biên phòng Philippines bắn chết ở Biển Đông. Tuy vậy, Đài Loan vẫn tuyên bố viện trợ 200.000 USD cho Philippines để khắc phục bão Haiyan, gấp đôi số tiền viện trợ của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc muốn khẳng định rằng nước này có thể trở thành một lãnh đạo thế giới, việc cung cấp viện trợ nhân đạo ít ỏi cho một láng giềng khu vực trong lúc thảm họa có thể làm tổn hại tới tham vọng của Bắc Kinh.

An Bình