1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines sa thải cảnh sát nhận định có 10.000 người chết vì bão

(Dân trí) - Cảnh sát quốc gia Philippines hôm nay đã công bố việc đình chỉ chức vụ sỹ quan cảnh sát nhận định có khoảng 10.000 người đã thiệt mạng vì siêu bão Haiyan. Trong khi đó, con số thương vong đang trở thành đề tài gây tranh cãi.

Trong một thông báo được phát đi, cảnh sát quốc gia Philippines cho biết chỉ huy khu vực số 8, ông Elmer Soria, người đã đưa ra con số ước tính 10.000 người thiệt mạng vì bão, đã bị sa thải.

Ông Elmer Soria đã bị sa thải
Ông Elmer Soria đã bị sa thải

Nguyên nhân được đưa ra đó là ông Soria có thể đã mắc phải “phản ứng stress cấp”, và cho biết thêm rằng lãnh đạo cơ quan này nhận định ông Soria cần phải trải qua quá trình giảm căng thẳng.

“Chúng ta đều biết rằng ông Elmer Soria đã chứng kiến rất nhiều điều trong những ngày qua, và có thể đang phải chịu “phản ứng stress cấp”. Do đó các lãnh đạo cấp cao tin rằng ông ấy cần phải trải qua quá trình giảm stress. Một giám đốc khu vực mới đã được bổ nhiệm, ông Henry Losanes”, thông báo viết.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, ông Soria nói ít nhất 10.000 người đã chết tại tỉnh Leyte, chủ yếu do nước biển dâng sau bão.

Ông cũng khẳng định bão đã phá hủy từ 70 - 80% các công trình trên được đi của nó qua tỉnh Leyte hôm 8/11.

2000, 4000 hay 10.000 người chết?

Trong khi đó, những con số về thương vong do bão Haiyan hiện có nhiều mâu thuẫn. Số liệu chính thức từ Hội đồng kiểm soát và giảm trừ rủi ro thảm họa quốc gia Philippines (NDRRMC) khẳng định, tính đến 6 giờ sáng 15/11, số người chết là 2360 người, tăng thêm 3 người so với thông báo được đưa ra lúc 18 giờ ngày 14/11.

Số lượng người chết vì bão Haiyan tại Philippines vẫn chưa rõ ràng
Số lượng người chết vì bão Haiyan tại Philippines vẫn chưa rõ ràng

Văn phòng điều phối các xứ mệnh nhân đạo của Liên hợp Quốc (UNOCHA) thì khẳng định số người chết tính đến sáng nay đã lên 4.460 người. Nhưng thông tin này sau đó lại bị rút lại do không chính xác, hãng tin AP cho biết.

Còn hãng tin Reuters cho biết một tấm bảng thông báo trắng tại tòa thị chính thành phố Tacloban cho biết số người chết do bão được thống kê là 4000 người.

John Tecson Lim, một lãnh đạo thành phố Tacloban thì một lần nữa khẳng định với báo giới rằng con số ước tính 10.000 người thiệt mạng là hoàn toàn có thể, thậm chí cũng chỉ là ước tính “thận trọng”.

“Rất nhiều thi thể dưới đống đổ nát”

Ngoài việc “loạn” con số thương vong, theo hãng tin AFP, việc xác minh danh tính của những người thiệt mạng cũng đang rất khó khăn. Rất nhiều thi thể vẫn nằm phơi tại hiện trường, trương phình hoặc đã phân hủy mà không được thu gom.

Các quan chức và nhân viên tình nguyện cho biết những thi thể được tìm thấy mới chỉ là bước đầu, một phần nhỏ của những gì họ trông thấy khi nước biển dâng sau bão rút đi. Họ cho biết, còn rất nhiều thi thể đang nằm dưới hàng núi đống đổ nát.

Việc xác minh danh tính của nạn nhân cũng không phải lúc nào cũng dễ, nhất là khi có những gia đình toàn bộ thành viên đều thiệt mạng.

Nhiều đội điều tra của Bộ tư pháp Philippines và phòng thí nghiệm cảnh sát quốc gia đã được cử tới Tacloban. Họ biết rằng không thể nhận dạng toàn bộ ngay lập tức, nhưng hy vọng có thể thu thập đủ bằng chứng để có thể làm việc này trong thời gian tới.

“Tại hiện trường, các bác sỹ đã bắt đầu lập hồ sơ”, giám đốc phòng thí nghiệm cảnh sát quốc gia Liza Sabong cho biết. “Chúng tôi phân loại họ là nam hay nữ, chụp ảnh họ, liệt kê những vật dụng có trên thi thể. Chúng tôi lấy dấu vân tay, đo đạc thi thể và sau đó đặt vào túi chứa xác”.

Quá trình này có thể giúp những họ hàng còn sống của nạn nhân xác định danh tính các thi thể sau này. Tuy nhiên quy mô của công việc này là vô cùng lớn.

Đến nay mới chỉ có 13 trong số 182 thi thể mà nhóm của ông Sabong thu gom được có người thân đến nhận. Số còn lại bị bỏ lại.

Trong ngày thứ Năm, Tacloban đã bắt đầu chôn cất tập thể các thi thể được thu gom vào túi và đặt ngoài tòa thị chính. Thị trưởng Alfred Romualdez cho biết những người xác định được danh tính và gia đình được chôn tại một khu, còn những người chưa rõ danh tính được đưa vào một nghĩa địa riêng khổng lồ.

Thanh Tùng
Tổng hợp