1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc lo thiệt hại lớn vì chiến tranh thương mại, buộc phải tính lại chi tiêu cho Hải quân

(Dân trí) - Hải quân Trung Quốc buộc phải xem xét lại các kế hoạch đóng tàu trong bối cảnh đối mặt với các thách thức kinh tế, chiến lược và kỹ thuật ở cả trong và ngoài nước. Và các nhà quan sát cho rằng, dù hiện đại hóa nhanh chóng nhưng quân đội Trung Quốc vẫn chưa thể sánh kịp Mỹ.

Trung Quốc lo thiệt hại lớn vì chiến tranh thương mại, buộc phải tính lại chi tiêu cho Hải quân - 1

Tàu sân bay nội địa Type 001A của Trung Quốc (Ảnh: Imaginechina)

Tính toán lại các khoản chi cao ngất

Theo SCMP, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu hiện đại hóa quân đội là một ưu tiên, nhưng giới quan chức quân đội cấp cao đang lo ngại về các khoản chi phí cao ngất ngưởng nhằm xây dựng một thế hệ một tàu quân sự mới, như các tàu khu trục và tàu sân bay.

Dù Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố rằng ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể kiểm soát được, nhưng các nhà quan sát cho hay Hải quân Trung Quốc đang chịu áp lực phải điều chỉnh các kế hoạch chi tiêu do tình trạng bấp bênh của triển vọng kinh tế, cũng như các phát triển nhân sự và công nghệ chậm hơn kỳ vọng.

“Căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đã nhắc nhở giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng họ cần thận trọng về các khoản chi cho các tàu chiến mới”, một nguồn tin quân đội giấu tên cho hay.

Ví dụ, với một tàu sân bay, khi giá của các vũ khí công nghệ cao, các hệ thống kiểm soát và liên lạc, các máy bay chiến đấu được bổ sung vào chi phí đóng tàu thì tổng chi phí có thể lên tới 50 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7,2 tỷ USD).

Kế hoạch chế tạo 8 tàu khu trục Type 055 thế hệ mới, loại tàu lớn nhất trong lớp này, cũng cần được cân nhắc, nguồn tin trên nói. “Mỗi tàu Type 055 có giá trên 6 tỷ nhân dân tệ (870 triệu USD), đắt gấp đôi so với Type 052D, tàu chiến chính hiện thời của Hải quân Trung Quốc.

Nhưng theo các chuyên gia quân sự, không chỉ có chi phí chế tạo các tàu cần phải cân nhắc. Việc vận hành một nhóm tác chiến tàu sân bay trên biển, bao gồm tàu sân bay, ít nhất 2 tàu khu trục, 2 tàu hộ tống, vài tàu ngầm và 1 tàu cung ứng, là rất đắt đỏ.

Sau đó còn chi phí bảo dưỡng - các tàu sân bay thường được kiểm tra định kỳ và sữa chữa cứ 6 tháng một lần, và điều này làm gia tăng thêm gánh nặng lên ngân sách của hải quân.

Theo chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh Li Jie, Bắc Kinh có kế hoạch chế tạo 4 nhóm tác chiến tàu sân bay tới năm 2030, với 3 nhóm luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.

Trung Quốc hiện có 2 tàu sân bay: 1 tàu cũ mua của Ukraine mang tên Liêu Ninh và 1 tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A dựa trên Liêu Ninh.

Một nguồn thân cận với hải quân cho biết Trung Quốc cũng cần phát triển các máy bay tiên tiến trang bị cho tàu trực thăng Type 075 và tàu sân bay Type 002, hiện đang được phát triển.

“Type 075 dự kiến được trang bị máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng giống siêu tiêm kích F-35 của Mỹ, nhưng Trung Quốc chưa làm chủ công nghệ này”, nguồn tin trên nói.

F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất của Mỹ, với tổng chi phí dự kiến lên tới 428 tỷ USD. Nhật Bản dự kiến mua hơn 40 chiếc F-35B, phiên bản cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, cho 2 tàu sân bay đa năng lớp Izumo.

Không giống Liêu Ninh và Type 001A, vốn đường trang bị đường trượt để các máy bay như J-15 có thể cất cánh, tàu sân bay Type 002A sẽ được trang bị hệ thống phóng điện từ. Điều đó có nghĩa là quân đội Trung Quốc phải phát triển một mẫu máy bay mới - giống với F-18 của Mỹ, để phù hợp với nó.

“Trung Quốc có thể cần từ 10-20 năm để phát triển thế hệ mới máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay, có nghĩa là J-15 sẽ là máy bay chủ đạo trong một thời gian, dù nó có các vấn đề về động cơ và kiểm soát bay”, các nguồn tin hải quân tiết lộ.

Hải quân Trung Quốc đã mở rộng đáng kể trong 3 thập niên qua với chi phí quốc phòng thường niên tăng ở mức 2 con số từ trong giai đoạn 1989-2015, nhờ sự phát triển kinh tế nhanh chóng.

Cho đến năm ngoái, hải quân Trung Quốc đã sở hữu hơn 300 tàu, so với con số 287 của Mỹ, theo Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington.

Trong giai đoạn 2014-2018, Bắc Kinh đã khởi đóng các tàu hải quân với tổng tải trọng 678.000 tấn, nhiều hơn của Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và đảo Đài Loan cộng lại, theo một báo cáo của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại London, Anh.

Theo các số liệu từ Bắc Kinh, Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc đã chế tạo 84 tàu chiến mới trong 7 năm qua, trong đó có 4 tàu khu trục Type 055, 8 tàu Type 052D và 60 tàu Type 056.

"Công nghệ của Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ"

Dù sở hữu nhiều tàu nhưng chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming cho rằng Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ xét về công nghệ phần mềm và phần cứng.

“Một hạm đội hải quan thực sự có thể đi xa bờ, nhưng điều đó cần mạng lưới hỗ trợ và hậu cần tổng thể mà quân đội Trung Quốc không có”, ông Zhou nói.

Bắc Kinh có khả năng chế tạo các tàu chiến lớn với các vũ khí lớn, nhưng phần lớn diện tích là để chứa vũ khí và các thiết bị khác, vốn làm giảm khả năng chứa nhiên liệu của tàu, do đó làm hạn chế tầm hoạt động và thời gian hoạt động trên biển.

Theo ông Zhou, các tàu chiến tiên tiến của Trung Quốc như Type 055 và Type 052D chỉ có tầm hoạt động xa nhất là 6.000 hải lý, thấp hơn các tàu tương đương của Mỹ.

“Mỹ đã theo đuổi chiến lược toàn cầu và thiết lập nhiều căn cứ hải quân ở nước ngoài, cho phép các tàu của nước này thực hiện hành trình xa hơn và khẳng định sức mạnh trên biển. Trung Quốc không có lợi thế đó”, ông Zhou nói.

“Hải quân Trung Quốc thường xuyên bị quá sức, như khi tham gia và sứ mệnh chống hải tặc tại vùng biển Somali vào năm 2008, và tầm hoạt động ngắn của các tàu là một trở ngại lớn. Đó là lý do vì sao Trung Quốc cần căn cứ tại Djibouti”, ông Zhou nói, đề cập tới căn cứ quân sự mà Bắc Kinh thiết lập ở quốc gia nhỏ bé ở châu Phi vào năm 2017.

Một cựu quan chức quân đội và chuyên gia phân tích quân sự tại Hong Kong cho hay hải quân Trung Quốc còn phải phấn đấu nhiều về khía cạnh hoạt động nếu muốn cạnh tranh với Mỹ.

“Mỹ có hải quân lớn nhất thế giới va lịch sử hơn 100 năm, vì thế các tàu chiến nước này đã trải qua vài vòng phát triển. Các tàu hải quân của Mỹ cũng dễ thích nghi hoạt động theo nhóm, điều mà Trung Quốc vẫn phải học tập”, nguồn tin trên nói.

Trung Quốc đã thiết lập căn cứ bảo dưỡng và sửa chữa sau khi hệ thống điện của một trong các tàu khu trục Guangzhou Type-052B đã thất bại trong một sứ mệnh chống hải tặc khác ở Vịnh Aden vào năm 2010, khiến các thủy thủ bị mắc kẹt.

“Vì Bắc Kinh và Djibouti khi đó chưa chính thức thiết lập quan hệ quân sự, Hải quân Pháp phải vào cứu các thủy thủ Trung Quốc. Và điều đó đã thôi thúc Bắc Kinh lập căn cứ tại Djibouti”, một nguồn tin hải quân tiết lộ.

Adam Ni, một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney (Úc), cho hay ngoài việc tìm kinh phí để chế tạo các tàu chiến mới và duy trì hạm đội đang phát triển, các quan chức hải quân Trung Quốc cũng phải cân bằng các nhu cầu khác.

“Có các ưu tiên khác nhau, như thủy quân lục chiến, không quân hải quân và các tàu ngầm”, ông Ni nói. Với quá nhiều nhu cầu về ngân sách, rõ ràng là Trung Quốc phải xem xét lại các mục tiêu chiến lược và dài hạn.

Hồi đầu năm nay, một tổ chức nghiên cứu chính sách của Mỹ cho biết Trung Quốc có kế hoạch tăng gấp 4 lần lực lượng thủy quân lục chiến từ 2 lữ đoàn lên 8, với tổng cộng khoảng 40.000 binh sĩ. Một nguồn tin quân đội xác nhận tham vọng này, nhưng cho biết chỉ 4 trong số 6 lữ đoàn bổ sung được thiết lập cho tới nay.

An Bình

Tổng hợp