Bị dồn ép trong chiến tranh thương mại, Trung Quốc buộc phải xuống nước
(Dân trí) - Trung Quốc đã buộc phải có những thay đổi đáng chú ý trong các chính sách để nhượng bộ trong bối cảnh chính quyền Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ mạnh tay trong cuộc chiến thương mại nếu Bắc Kinh phớt lờ sức ép.
Theo Thời báo Hoa Nam Buổi sáng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/4 cho biết, ông hy vọng về một thỏa thuận lớn với Trung Quốc về thương mại trong 4 tuần tới, khi các tiến bộ đã được “với tốc độ rất nhanh” sau vòng đàm phán thương mại mới nhất tại Washington.
Sau khi lệnh “ngừng bắn” trong cuộc chiến thương mại đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donlad Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Buenos Aires (Argentina) ngày 1/12/2018, Washington đã yêu cầu Bắc Kinh có “những thay đổi về cấu trúc liên quan tới chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, các hàng rào phi thuế quan, các vụ tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu, các dịch vụ và nông nghiệp”.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã xuống nước bằng việc mua số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và cắt giảm thuế đối với xe ô tô nhập khẩu do Mỹ chế tạo. Bắc Kinh cũng đưa ra các luật và quy định mới ở trong nước nhằm giải quyết vấn đề đánh cắp sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường.
Quy định sở hữu trị tuệ mới
Vào ngày 4/12, ba này sau thượng đỉnh Trump-Tập tại Argentina, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia, cơ quan lên kế hoạch các chính sách kinh tế của Trung Quốc, đã công bố 38 hình phạt đối với các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để xoa dịu một trong những lo ngại lớn nhất từ chính quyền Trump trong các cuộc đàm phán thương mại.
Washington cáo buộc Trung Quốc về hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và tấn công mạng được nhà nước hỗ trợ nhằm vào Mỹ để phục vụ phát triển công nghệ và công nghiệp.
Hôm 3/4, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlo cho hay Trung Quốc đã lần đầu tiên thừa nhận rằng giới chức Mỹ “có lý” về vấn đề sở hữu trí tuệ. Trước đó, ông cho biết Bắc Kinh đã bác bỏ.
Mua các sản phẩm nông nghiệp
Các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Mỹ đã bị Bắc Kinh siết chặt trong các biện pháp trả đũa việc Washington áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 3, ông Trump cho biết trên Twitter rằng ông đã “đề nghị Trung Quốc ngay lập tức dỡ bỏ toàn bộ thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp dựa trên thực tế rằng chúng ta đang phối hợp rất tốt trong các cuộc đàm phán thương mại”.
Mặc dù Bắc Kinh không đáp ứng yêu cầu của ông Trump, nhưng Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng căng thẳng đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ thông qua các giao dịch ban đầu và mới được đề xuất.
Vào ngày 31/3, trong một cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cam kết rằng Trung Quốc có thể mùa 5 triệu tấn đậu tương của Mỹ.
Trung Quốc cũng đề xuất mua thêm 30 tỷ hàng hóa nông nghiệp của Mỹ mỗi năm, trong đó có đậu tương, ngô, và lúa mì.
Trước đó, vào ngày 12-13/12, Trung Quốc đã mua 1,5-2 triệu tấn đậu tương của Mỹ và các lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ cập bến vào quý I/2019, theo Hội đồng xuất khẩu đậu tương Mỹ.
Cắt giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ
Sau khi lệnh “ngừng bắn” chiến tranh thương mại được nhất trí vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã cắt giảm thuế đối với các sản phẩm ô tô do Mỹ chế tạo.
Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 14/12 thông báo sẽ tạm thời dỡ bỏ thêm 25% thuế đối với các ô tô nhập khẩu từ Mỹ trong 3 tháng bắt đầu từ 1/1/2019, giúp cắt giảm thuế đối với ô tô của Mỹ xuống 15%. Bộ Tài chính cũng giảm 5% thuế đối với 67 loại phụ tùng ô tô khác.
Tổng thống Trump đã hoan nghênh tuyên bố trên. “Trung Quốc vừa thông báo rằng nền kinh tế của họ đang tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự báo trước đó do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Họ đã vừa dừng các khoản thuế quan đối với Mỹ”, ông viết trên Twitter. “Mỹ đang làm rất tốt. Trung Quốc muốn có một thỏa thuận lớn và toàn diện. Nó sẽ xảy ra, sớm thôi!”.
Tiếp cận thị trường
Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một luật đầu tư nước ngoài mới hôm 15/3, trong ngày họp cuối cùng của quốc hội. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Bắc Kinh đã nhanh chóng thông qua luật trên, chỉ 3 tháng sau khi dự thảo đầu tiên được đưa ra để thảo luận, trong một nỗ lực nhằm chấm dứt các phàn nàn từ Mỹ về các biện pháp thương mại không công bằng.
Những người chỉ trích cho rằng luật trên vẫn chung chung và thiếu một bộ quy tắc cụ thể, có thể thi hành, nhằm giải quyết một loạt lo ngại của các công ty nước ngoài.
Fang Xinhai, Phó chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc, cho biết hôm 25/1 bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, răng Trung Quốc có thể phê duyệt các đề nghị khác từ các ngân hàng Phố Wall về quyền cổ đông đa số trong các công ty chứng khoán trong 6 tháng tới.
Cấm thuốc giảm đau Fentanyl
Hôm 1/4, Trung Quốc thông báo sẽ đưa tất cả các biến thể thuốc giảm đau Fentanyl vào danh mục các chất bị kiểm soát từ ngày 1/5, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí với yêu cầu của Tổng thống Trump tại Argentina nhằm hành động cứng rắn hơn để kiểm soát thuốc giảm đau có thể được bào chế bất hợp pháp thành chất ma túy tổng hợp nguy hiểm chết người từ Trung Quốc vào Mỹ.
Washington đổ lỗi cho Bắc Kinh rằng việc xuất khẩu các chất liên quan tới fentanyl đã dẫn tới hàng chục nghìn cái chết do quá liều mỗi năm tại Mỹ. Việc phân loại các biến thể fentanyl nhằm ngăn chặn các hãng thuốc sản xuất các chất hơi khác nhau để trốn tránh các quy định.
Hôm 4/4, Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng rằng lệnh cấm của Trung Quốc đối với tất cả các loại thuốc giống fentanyl là “một điều tuyệt vời đối với Mỹ”. Ông nói thêm, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad cũng nói với ông rằng “sẽ có các mức phạt hình sự cho việc bán thuốc giảm đau fentanyl tại Trung Quốc”.
An Bình