1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc liên tục đe dọa Mỹ trước thềm phán quyết của tòa trọng tài

(Dân trí) - Trước thềm phán quyền của tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện “đường lưỡi bò”, truyền thông quốc gia Trung Quốc những ngày gần đây liên tục lớn tiếng đe dọa Mỹ tránh can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông.


Một tàu hải quân Trung Quốc. (Ảnh minh họa: EPA)

Một tàu hải quân Trung Quốc. (Ảnh minh họa: EPA)

Trung Quốc dường như đang “đứng ngồi không yên” khi Tòa Trọng tài Thường trực dự kiến đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Bắc Kinh vào ngày 12/7 tới. Phán quyết được cho là sẽ bất lợi đối với Trung Quốc và vì thế Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng các chiêu trò khác nhau như bỏ tiền để truyền bá trên báo chí thế giới những luận điệu ngang ngược về tranh chấp ở Biển Đông và đưa ra lời đe dọa trên truyền thông quốc gia, trong đó đặc biệt nhắm vào Mỹ.

Trong một bài viết đăng tải hôm nay 5/7, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) thuộc tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - nói rằng, căng thẳng tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ leo thang hơn nữa sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA).

Thời báo Hoàn cầu viện dẫn việc Mỹ điều đến 2 cụm tàu sân bay tác chiến tới Biển Đông. Thừa nhận rằng Trung Quốc không thể đuổi kịp năng lực quân sự của Mỹ trong ngắn hạn, Thời báo Hoàn cầu nói rằng, Trung Quốc cần đẩy nhanh phát triển năng lực phòng vệ quân sự, buộc Mỹ phải “trả giá” nếu can thiệp vào vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Tờ báo cũng biện minh rằng, mặc dù Bắc Kinh hy vọng có thể giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán nhưng vẫn phải chuẩn bị cho kịch bản xung đột vũ trang.

Hôm nay, tờ Nhân dân Nhật báo tiếp tục đăng tải một bài lớn tiếng cảnh báo Washington phải “trả giá đắt” nếu bước qua “giới hạn cuối cùng” của Trung Quốc với việc can dự vào tranh chấp ở Biển Đông. Tờ báo nói, Mỹ phải chịu “toàn bộ trách nhiệm nếu căng thẳng ở Biển Đông leo thang”.

Trong cuộc điện đàm hôm nay 6/7 với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng lớn tiếng cảnh báo Mỹ tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, "thận trọng với mọi lời nói và hành động" và không nên có hành động xâm phạm "lợi ích an ninh và chủ quyền Trung Quốc".

Trong khi đó, tại cuộc đối thoại về vấn đề Biển Đông giữa các nhà nghiên cứu Trung-Mỹ tại Washington hôm qua 5/7, cựu ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc cũng ngang nhiên nhắc lại luận điệu rằng Bắc Kinh sẽ không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực của Liên hợp quốc ở Hà Lan. Ông này cũng ngang ngược nói rằng, phán quyết của Tòa “chỉ là một mẩu giấy”.


Cựu ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc. (Ảnh: Foreign Policy)

Cựu ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc. (Ảnh: Foreign Policy)

Ông Đới còn lớn tiếng đề nghị các nước không thi hành phán quyết của tòa. Ông này trắng trợn cáo buộc Mỹ làm gia tăng căng thẳng do các cuộc tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở khu vực và kêu gọi các nước Đông Nam Á đối đầu với Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ không bị đe dọa ngay cả khi Washington có điều 10 tàu sân bay đến biển Đông. Tuy nhiên, họ có thể bị cuốn vào rắc rối không mong muốn và sẽ phải trả một cái giá rất đắt”, ông Đới lớn tiếng nói.

Hiện không rõ Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, tuy nhiên những bình luận của ông Đới làm dấy lên đồn đoán rằng Bắc Kinh có thể sẽ trắng trợn bắt đầu hoạt động cải tạo xung quanh bãi cạn Scarborough chiếm đóng trái phép của Philippines. Giới chuyên gia cho rằng, hành động này sẽ làm gia tăng căng thẳng và có thể kéo theo cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Manila, khi đó Philippines có thể sẽ quay sang Mỹ để được hỗ trợ quân sự.

Một điều có thể thấy rõ rằng, quan điểm hung hăng của Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đã buộc các quốc gia láng giềng, trong đó có Ấn Độ, tìm cách thắt chặt quan hệ với Mỹ. Trên tạp chí Foreign Affairs, các cây bút Keith Johnson và Dan De Luce cho rằng: "Hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm quá trình cải tạo đảo nhân tạo, đòi hỏi thêm về chủ quyền và triển khai các loại vũ khí hiện đại tới những rạn san hô và bãi đá đang có tranh chấp, đã chọc tức gần như toàn bộ các nước láng giềng của họ ở châu Á.

Có những ý kiến từ Ấn Độ cho rằng những gì mà Bắc Kinh đang làm ở Biển Đông là minh chứng cho thấy “không thể tin” Trung Quốc. Tuy nhiên, điều khiến New Delhi lo ngại hơn cả là dường như Trung Quốc sẽ có động thái hung hăng hướng sang cả khu vực Ấn Độ Dương của họ trong thời gian tới".

Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế từ tháng 1/2013. Đơn của Philippines đề nghị phân xử 3 việc: làm rõ tính pháp lý của đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc ôm lấy một vùng rộng lớn ở Biển Đông; quy chế của những thực thể Trung Quốc chiếm đóng như các bãi cạn và các quyền hàng hải của chúng, và các hoạt động của Trung Quốc trong những nơi Philippines coi là vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông thông qua yêu sách “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò”, chồng lấn chủ quyền với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

Philippines cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển - một công ước mà Bắc Kinh đã ký kết. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần ngang ngược tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực của Liên hợp quốc và nói rằng tòa án này không đủ thẩm quyền.

Minh Phương-Ngọc Anh

Tổng hợp