1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc lên tiếng sau cáo buộc của ông Trump về kênh đào Panama

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc phản bác mạnh mẽ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh đang kiểm soát kênh đào Panama.

Trung Quốc lên tiếng sau cáo buộc của ông Trump về kênh đào Panama - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Ảnh: Fmprc).

Trung Quốc đã phản bác mạnh mẽ cáo buộc từ Tổng thống Trump rằng Bắc Kinh đã kiểm soát kênh đào Panama, gọi đây là "thông tin vô căn cứ và mang tính khiêu khích".

Trong bài phát biểu hồi đầu tuần, ông Trump chỉ trích việc Mỹ đã chuyển quyền kiểm soát kênh đào lại cho Panama, cho rằng các tàu Mỹ đang bị "tính phí quá cao". Ông cũng lặp lại cáo buộc Trung Quốc đang kiểm soát tuyến đường thủy quan trọng và tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát.

Kênh đào Panama, hoàn thành vào năm 1914 bởi Mỹ và chuyển giao cho Panama năm 1999, chiếm khoảng 2,5% thương mại hàng hải toàn cầu mỗi năm.

Tổng thống Panama José Rául Mulino sau đó tuyên bố số phận của kênh đào này là "không thể đàm phán". Trong một bức thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, chính phủ Panama đã phàn nàn về lời cảnh báo "đáng lo ngại" của ông Trump.

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Mao Ninh nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đồng ý với quan điểm của ông Mulino: "Kênh đào này không thể bị bất kỳ cường quốc nào kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp".

"Trung Quốc không tham gia quản lý hay vận hành kênh đào, không can thiệp vào các vấn đề của kênh, luôn tôn trọng chủ quyền của Panama và công nhận đây là tuyến đường thủy quốc tế trung lập vĩnh viễn", bà Mao tuyên bố.

Mặc dù chính quyền ông Trump chưa cung cấp bằng chứng về sự can thiệp của Trung Quốc vào hoạt động của kênh đào, các cảng ở 2 đầu kênh, Cristobal và Balboa, được điều hành bởi Panama Ports Co., một công ty con của tập đoàn CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hong Kong.

Văn phòng kiểm toán của Panama đã bắt đầu cuộc điều tra đối với Panama Ports Co để đảm bảo tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực công. Công ty có liên quan đến Trung Quốc này khẳng định sẽ duy trì "mối quan hệ minh bạch và hợp tác" với chính quyền địa phương.

Ông Trump trước đó từng không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự để giành quyền kiểm soát kênh đào Panama, cũng như mua lại Greenland, một khu vực mà ông đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm vì lý do an ninh quốc gia.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0