Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ lấy lại kênh đào Panama
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tuyên bố Washington sẽ giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama.
Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa cáo buộc Panama đã vi phạm những lời hứa về việc chuyển giao tuyến đường thủy chiến lược cuối cùng vào năm 1999 và nhượng lại hoạt động của mình cho Trung Quốc.
"Chúng tôi không trao (kênh đào Panama) cho Trung Quốc. Chúng tôi đã trao cho Panama và chúng tôi sẽ lấy lại nó", Tổng thống Trump tuyên bố.
Ông nói thêm: "Chúng tôi đã bị đối xử rất tệ từ món quà đáng lẽ không bao giờ nên trao đi này và lời hứa của Panama với chúng tôi đã bị phá vỡ. Mục đích của thỏa thuận và tinh thần hiệp ước của chúng tôi đã bị vi phạm hoàn toàn".
Ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết về thời điểm và cách thức ông định làm điều này. Tuy nhiên, trước đó, ông nhấn mạnh không loại trừ khả năng sử dụng lực lượng quân sự để giành lại kênh đào Panama.
Đáp lại cảnh báo trên, Tổng thống Panama Jose Mulino tuyên bố Panama sẽ chống lại kế hoạch của ông Trump.
"Tôi kịch liệt bác bỏ những điều mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong bài phát biểu nhậm chức liên quan đến Panama và kênh đào. Việc quản lý kênh đào sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Panama với sự tôn trọng tính trung lập lâu dài của nó", ông Mulino nói.
Ông Mulino lập luận rằng, Mỹ đã trao quyền kiểm soát kênh đào cho Panama vào năm 1999 "là kết quả của một cuộc đấu tranh thế hệ".
Ông cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế thông qua tuyến đường thủy quan trọng nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. "Chúng tôi sẽ thực hiện quyền tự bảo vệ mình", ông nhấn mạnh.
Sau khi đắc cử tổng thống, ông Trump nhiều lần lập luận Mỹ nên thiết lập lại quyền kiểm soát kênh đào để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Ông cũng cho rằng Panama tính phí quá cao đối với các tàu Mỹ đi qua tuyến đường thủy này.
Ngoài ra, ông cũng tuyên bố ý định mua lại đảo lớn nhất thế giới Greenland của Đan Mạch và biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ. Ông cho biết, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Trong bài phát biểu hôm qua, tuy không nhắc lại vấn đề Greenland và Canada, nhưng ông đề cập đến ý định đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ.
Các nhà phân tích vẫn hoài nghi về mức độ nghiêm túc trong những tuyên bố này của chủ nhân Nhà Trắng. Theo một số nhà phân tích, đây có thể chỉ là một chiến thuật nhằm nâng vị thế đàm phán của Mỹ trong hàng loạt vấn đề từ an ninh đến kinh tế, thương mại.
Kênh đào Panama do Mỹ xây dựng được khai trương vào năm 1914 và do Washington kiểm soát cho đến khi có thỏa thuận năm 1977 quy định việc chuyển giao kênh đào cho Panama.
Kênh đào được cả 2 nước cùng vận hành. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ và Panama dần rạn nứt do những bất đồng về quyền kiểm soát kênh đào, cách đối xử với công nhân Panama.
Những căng thẳng đó lên đến đỉnh điểm vào ngày 9/1/1964 khi các cuộc bạo loạn chống Mỹ dẫn đến nhiều người chết ở vùng kênh đào và sự cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa 2 nước trong thời gian ngắn.
Nhiều năm đàm phán để đạt được một thỏa thuận công bằng hơn đã dẫn đến 2 hiệp ước dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Các thỏa thuận tuyên bố kênh đào trung lập và mở cửa cho tất cả các tàu thuyền và quy định quyền kiểm soát chung giữa Mỹ và Panama cho đến cuối năm 1999, khi Panama được trao toàn quyền kiểm soát.