1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc “lên gân” trong căng thẳng biên giới: Ấn Độ xích lại gần Đông Nam Á?

(Dân trí) - Căng thẳng biên giới hiện nay giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Himalayas đang khiến các nước láng giềng cảm thấy bất an. Tuy nhiên, đó cũng có thể là cơ hội để Ấn Độ và các nước Đông Nam Á xích lại gần nhau, giới chuyên gia chính sách đối ngoại nhận định.

Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật gần biên giới Ấn Độ

Trung-Ấn không bên nào chịu xuống nước

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở cao nguyên Dolklam, thuộc vùng núi Himalaya kéo dài hơn một tháng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuần trước, giới chức Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc hội đàm đầu tiên kể từ khi căng thẳng nổ ra ở Dolklam. Tuy vậy, tại cuộc hội đàm này, cả Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval không phát đi bất cứ tín hiệu nào sẽ hạ nhiệt căng thẳng.

Cũng trong tuần trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phát đi cảnh báo được cho là gay gắt nhất rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường lực lượng dọc biên giới với Ấn Độ và sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ “bằng mọi giá”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj dự kiến sẽ cùng tham dự hội nghị Bộ trưởng ASEAN cuối tuần này tại Manila. Trong khi các vấn đề như hạt nhân Triều Tiên, tranh chấp Biển Đông được cho là chủ đề chính trong chương trình nghị sự, giới phân tích cho rằng, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ quan tâm đến căng thẳng Trung-Ấn hiện nay.

ASEAN, Ấn Độ xích lại gần nhau?


Một khu vực biên giới Trung - Ấn (Ảnh: The Nation)

Một khu vực biên giới Trung - Ấn (Ảnh: The Nation)

ASEAN coi sự hiện diện của Ấn Độ ở khu vực là yếu tố răn đe với Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc ngày càng tỏ ra gay gắt trong chính sách đối phó tranh chấp biên giới với Ấn Độ.

Richard Javad Heydarian, nhà khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Manila (Philippines), nhận định căng thẳng Trung-Ấn hiện nay ở Dolklam tạo ra những “tác động lan tỏa” kéo theo sự hoài nghi của các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước cũng vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

“Mọi người tự hỏi liệu Trung Quốc có thực sự hòa hảo, và tại sao có quá nhiều nước vướng vào tranh chấp với Trung Quốc”, chuyên gia Heydarian nói. Tuy nhiên, chính những hoài nghi này sẽ kéo Ấn Độ xích lại gần ASEAN.

Với chính sách “Hướng Đông” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Ấn Độ những năm gần đây đã tăng cương thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước ASEAN, trong đó có Indonesia, Malaysia, Singapore và cả các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Sự hiện diện này của Ấn Độ được coi là một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Chuyên gia Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho rằng, Ấn Độ vẫn thiếu chiến lược quân sự có chiều sâu và nguồn lực kinh tế cần thiết khi đặt dấu chân ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu kết hợp với các cường quốc tầm trung như Nhật Bản, “Ấn Độ có thể sẽ có tầm ảnh hưởng lớn đến Đông Nam Á”, chuyên gia này nhận định.

Ở một khía cạnh khác, Rajesh Manohar, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học công nghệ Nanyang, cho rằng, các cam kết của Ấn Độ với khu vực này vẫn còn tương đối hạn chế với các hành động mang tính biểu tượng nhiều hơn như tập trận quân sự.

Minh Phương

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm