Trung Quốc dùng tiền lôi kéo đối tác truyền thống của Mỹ ở Thái Bình Dương
(Dân trí) - Giữa lúc các hiệp ước an ninh giữa Mỹ với các quốc đảo Thái Bình Dương trở nên bất định, Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này bằng các khoản đầu tư, trong đó có đầu tư vào Liên bang Micronesia.
Tại Trung Quốc, hồi đầu tháng này, Tổng thống Liên bang Micronesia, ông David Panuelo, đã có chuyến thăm tới Vạn Lý Trường Thành. Theo Đại sứ Trung Quốc tại Micronesia Huang Zheng, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao hơn trong chuyến thăm của ông Panuelo.
Theo SCMP, đầu tư của Trung Quốc vào Micronesia cũng đạt mức kỷ lục vào thời điểm chuyến thăm của ông Panuelo, chuyến thăm đánh dấu 30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Bắc Kinh đã cam kết các khoản đầu tư phát triển kinh tế trị giá 72 triệu USD, gần bằng tổng đầu tư trong 3 thập niên trở lại đây cho Micronesia.
Hầu hết các khoản đầu tư của Trung Quốc dành cho bang Chuuk của Micronesia. Đây là bang sẽ bỏ phiếu trưng cầu dân ý độc lập vào tháng 3 tới. Mặc dù Chuuk chỉ có dân số hơn 50.000 người, nhưng nó sở hữu vùng biển sâu chiến lược có thể là mối quan tâm cho cả Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Washington muốn mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Micronesia là một trong ba quốc gia Thái Bình Dương có thỏa thuận quốc phòng với Mỹ mang tên Hiệp ước Liên kết tự do (COFA). Theo đó, quân đội Mỹ được quyền tiếp cận không phận và lãnh hải của Liên bang Micronesia, Cộng hòa quần đảo Marshall và Cộng hòa Palau. Đổi lại, các quốc đảo này nhận được hỗ trợ tài chính của Washington. Hiệp ước này dự kiến sẽ hết hiệu lực vào năm 2023. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Micronesia và Trung Quốc có thể làm mai một mối quan hệ quốc phòng lâu đời này với Mỹ.
Lôi kéo đồng minh truyền thống của Mỹ
Với dân số chỉ khoảng 113.000 người, Micronesia phụ thuộc lớn vào kiều hối do công dân làm việc tại Mỹ gửi về quê nhà cũng như hỗ trợ tài chính của Washington theo hiệp ước COFA.
Việc COFA sắp hết hạn khiến mối quan hệ với Washington trở nên bất định, trong khi khiến đầu tư của Trung Quốc càng có thêm tầm ảnh hưởng.
“Chuyến thăm của ông Panuelo tới Trung Quốc là ví dụ cho thấy cách mà Trung Quốc chỉ cần làm rất ít nhưng thu lại rất nhiều. 100 triệu USD không phải một số tiền quá lớn với họ và họ có thể vô hiệu hóa ràng buộc đó (COFA)”, Derek Grossman, chuyên gia phân tích cấp cao tại Rand Corporation, bình luận.
Giá trị giao thương giữa Micronesia và Trung Quốc đã tăng gần 30%/năm trong 5 năm trở lại đây. Những năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc ở Micronesia tập trung vào xây dựng các tổ hợp văn phòng và nhà ở cho các quan chức chính phủ, trung tâm hội nghị quốc gia, cơ sở hạ tầng giao thông, trao đổi du học sinh. “Trung Quốc đã nâng mối quan hệ với Micronesia lên tầm đối tác chiến lược toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”, Jian Zhang, phó giáo sư tại Học viện quốc phòng Australia, nhận định.
Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, ông Panuelo gọi Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu, còn Mỹ là đối tác an ninh hàng đầu. Gerard Finin, giáo sư tại Đại học Cornell, cũng chỉ ra một yếu tố khiến Bắc Kinh có thể dễ dàng lôi kéo các đồng minh truyền thống của Mỹ đó là Mỹ dành rất ít các cuộc hội đàm cấp cao cũng như chưa bao giờ dành nghi thức tiếp đón cấp quốc gia cho lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương. Hồi tháng 5 năm nay, ông Trump tiếp đón cùng lúc lãnh đạo Micronesia, Palau và quần đảo Marshall tại Nhà Trắng. Khi ông Mike Pompeo thăm Micronesia, ông cũng mới chỉ là quyền Ngoại trưởng Mỹ. Ông Pompeo cho biết, các cuộc đàm phán gia hạn COFA đã bắt đầu nhưng đến nay chi tiết đàm phán chưa được tiết lộ.
Bang Chuuk - “Quân bài chiến lược”
Nếu bang Chuuk bỏ phiếu tách khỏi Micronesia vào tháng 3 tới, điều này đồng nghĩa với việc họ không còn ràng buộc vơi COFA, mở ra cơ hội cho các đối tác khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Chuuk là nơi có vùng biển sâu nhất ở Thái Bình Dương, do vậy nó có giá trị đặc biệt đối với các hoạt động quân sự chiến lược, hoạt động của tàu ngầm.
Phó giáo sư Jian Zhang cho rằng, Bắc Kinh có thể sẽ tìm cơ hội xây dựng một cảng quân sự mang vỏ bọc thương mại tại đây. “Trung Quốc từ lâu muốn có được dấu ấn chiến lược ở khu vực. Đó là một phần của Sáng kiến một vành đai, một con đường”, chuyên gia Zhang nói.
Tuy nhiên, ông Patrick Buchan tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược tại Washington, cho rằng Chuuk có thể tách khỏi Liên bang Micronesia, song họ có thể sẽ không rút khỏi COFA. Dẫu vậy, các cuộc đàm phán sửa đổi COFA sẽ còn gặp nhiều trở ngại và sẽ khó có nhiều thay đổi.
Trong lúc các cuộc đàm phán bế tắc, Trung Quốc có thể biết cách “lấy lòng” các đối tác của Mỹ bằng việc thảo luận vấn đề cấp bách nhất ở các quốc đảo Thái Bình Dương: vấn đề biến đổi khí hậu. “Khi chính quyền Trump vẫn còn tranh luận họ không tin vào biến đổi khí hậu… Trung Quốc biết và sẽ tận dụng điều đó”, chuyên gia Grossman nhận định.
Minh Phương
Tổng hợp