1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ - Trung trong cuộc chiến giành giật ảnh hưởng tại Thái Bình Dương

(Dân trí) - Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực siết chặt quan hệ với các quốc đảo trong khu vực Thái Bình Dương thông qua các dự án phát triển hạ tầng và viện trợ.

Mỹ - Trung trong cuộc chiến giành giật ảnh hưởng tại Thái Bình Dương - 1

Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Ảnh: AFP)

Lãnh đạo tỉnh Malaita thuộc quốc đảo Solomon cho biết Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực cam kết sẽ phát triển một cảng nước sâu, và sẽ được mời để tuần tra trong vùng lãnh thổ của Solomon. Đây được cho là nỗ lực của Washington nhằm đối phó với các khoản đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Mối quan hệ hợp tác trên đã giúp các nước phương Tây duy trì hiện diện mạnh mẽ hơn tại Solomon, sau khi quốc đảo Thái Bình Dương này gần đây quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh.

Việc chuyển đổi quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc đại lục diễn ra cùng thời điểm các công ty Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Solomon, bao gồm chương trình phát triển hạ tầng và mỏ vàng trị giá 825 triệu USD trên đảo Guadalcanal do Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc dẫn đầu.

Ông Daniel Suidani, tỉnh trưởng Malaita, nói với Reuters rằng Mỹ sẽ phát triển một cảng cùng hạ tầng hỗ trợ tại cảng Bina, phía tây đảo Malaita.

Theo ông Daniel, tỉnh Malaita không công nhận việc chuyển đổi quan hệ ngoại giao sang Bắc Kinh và ông vẫn muốn Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực, bao gồm Australia, đẩy lùi mọi chương trình phát triển phi pháp hay hoạt động đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của quốc đảo Thái Bình Dương này.

“Chúng tôi đã đề nghị Mỹ và Australia đóng góp một phần trong vấn đề an ninh của Malaita để họ có thể để mắt tới tỉnh này trước các nhà phát triển dự án Trung Quốc”, ông Suidani nói.

Khoảng 1/4 dân số của Solomon, quốc đảo với hơn 650.000 dân, sống ở Malaita. Do vậy, Malaita được xem là một trong những căn cứ quyền lực chính trị và lãnh thổ chính của Solomon.

Tỉnh Malaita được xem là đồng minh quan trọng của Mỹ, trong khi phần còn lại của Solomon bắt đầu xích lại gần hơn với Trung Quốc.

“Trung Quốc có nhiều giá trị khác nhau với quần đảo Solomon, nhưng đây là tỉnh theo đạo Cơ đốc, một hòn đảo dân chủ”, ông Suidani cho biết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này luôn ủng hộ “việc hợp tác ổn định, cởi mở, công bằng và hai bên cùng có lợi” với các quốc đảo Thái Bình Dương.

“Trung Quốc không phản đối việc phát triển mối quan hệ song phương bình thường cũng như sự hợp tác giữa các nước, miễn là sự hợp tác đó mang lại lợi ích cho hòa bình và phát triển của khu vực”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.

Các nước lớn trong khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là Australia, từ lâu vẫn lo ngại rằng, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là thiết lập một căn cứ hải quân tại Thái Bình Dương. Điều này sẽ cho phép gia tăng đáng kể hiện diện quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.

Thông báo của Văn phòng Đại sứ Mỹ tại Papua New Guinea, Solomon và Vanuatu nói rằng tỉnh Malaita và quốc đảo Solomon sẽ được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Mỹ về các khoản đầu tư trong lĩnh vực giao thông. Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cũng tuyên bố đang xem xét các dự án hạ tầng tại Solomon.

Mỹ cho biết đang đánh giá lại các khoản viện trợ cho Solomon sau khi nước này chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh hồi tháng 9. Với mục tiêu tăng cường hợp tác với Solomon trước sự lôi kéo của Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ tái thiết lập sự hiện diện tại quốc đảo này bằng việc đưa các tình nguyện viên của Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) tới đây sau gần 20 năm vắng bóng.  

Ngoài ra, Washington hiện chuyển mối quan tâm ngoại giao vào tỉnh Malaita của Solomon. Đại diện của Cơ quan phát triển chính phủ Mỹ (USAID) đã đi cùng một phái đoàn tới Malaita hồi tháng 8. Ngoài ra, các đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tham gia chuyến đi này.

Thành Đạt

Theo Reuters