1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nghị sĩ quốc đảo Thái Bình Dương cáo buộc Trung Quốc, Đài Loan mua chuộc ảnh hưởng

(Dân trí) - Các chính trị gia tại Solomon tiết lộ Trung Quốc và Đài Loan được cho là đã hối lộ hàng trăm nghìn USD để đổi lấy sự ủng hộ của quốc đảo Thái Bình Dương này.

Nghị sĩ quốc đảo Thái Bình Dương cáo buộc Trung Quốc, Đài Loan mua chuộc ảnh hưởng - 1

Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại Đài Bắc năm 2017. (Ảnh: AFP)

Hồi tháng 9, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã chính thức cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục. Động thái này của nhà lãnh đạo Solomon đã chấm dứt mối quan hệ kéo dài 36 năm của quốc đảo Thái Bình Dương với Đài Loan.

Quyết định trên khiến Solomon vấp phải phản ứng trên toàn thế giới. Các thượng nghị sĩ Mỹ tức giận, trong khi Đài Loan cũng phẫn nộ. Sự quay lưng của Solomon cũng có tác động nhất định, khiến Cộng hòa Kiribati cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan chỉ chưa đầy hai tuần sau đó.

Các động thái trên khiến Australia không khỏi “đau đầu” trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đang ngày càng mở rộng. Sau khi các nước lần lượt rời đi, hiện trên thế giới chỉ còn 15 quốc gia công nhận Đài Loan.

Là một phần trong cuộc điều tra để làm rõ câu chuyện phía sau sự chuyển đổi về quan hệ ngoại giao giữa các nước với Đài Loan, báo Guardian (Anh) cho biết các nghị sĩ Solomon đã tiết lộ rằng, họ được các đại diện của cả chính quyền Trung Quốc lẫn chính quyền Đài Loan tiếp cận và lót tay hàng trăm nghìn USD để đổi lấy sự ủng hộ về ngoại giao.

“Có một bí mật đã rõ như ban ngày đó là, tiền bạc luôn có liên quan tới những vấn đề này”, phó lãnh đạo đối lập Peter Kenilorea Jr nói với Guardian, đề cập tới những nghị sĩ Solomon từ bỏ lập trường ủng hộ Đài Loan lâu nay để chuyển sang ủng hộ Bắc Kinh.

Kenilorea là người phản đối việc chuyển đổi quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc đại lục và coi đây là “cú đánh vào mặt quốc hội”. Kenilorea cho biết ông đã nghe thông tin từ các nghị sĩ có liên quan tới quyết định chuyển đổi quan hệ rằng, họ đã được đề nghị các khoản tiền từ 246.000 - 615.000 USD để ủng hộ Bắc Kinh.

Daniel Sudaini, lãnh đạo tỉnh Malaita lớn nhất của Solomon, cũng cho biết ông được đề nghị một khoản “hối lộ” để đổi lấy việc giảm bớt giọng điệu chỉ trích Trung Quốc.

“Trước khi quyết định chuyển đổi được đưa ra, có một nhóm người hoặc có lẽ là một người nào đó đã gọi cho tôi qua điện thoại và đưa ra một đề xuất để tôi có thể ủng hộ việc chuyển đổi. Nhưng tôi quyết định không làm vì tôi nếu tôi chấp nhận đề xuất đó, tôi sẽ không còn đại diện cho người dân nữa. Họ đã đề xuất rất nhiều tiền”, ông Sudaini cho biết.

Nghị sĩ quốc đảo Thái Bình Dương cáo buộc Trung Quốc, Đài Loan mua chuộc ảnh hưởng - 2

Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Xinhua)

Sudaini, người đã khước từ đề xuất nhận tiền, trước đó từng tiết lộ rằng, khoản hối lộ ông nhận được là 123.000 USD. Cáo buộc của Sudaini hiện là nội dung trong cuộc điều tra do cảnh sát Solomon tiến hành về vấn đề này.

Tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Solomon là một tiến trình công khai.

“Không lời đồn đại hoặc vu khống nào ảnh hưởng tới sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Solomon”, thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Titus Fika, nghị sĩ Solomon và là lãnh đạo một ban đưa ra khuyến nghị về việc chính phủ thay đổi quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc, bác bỏ cáo buộc cho rằng tiền đã ảnh hưởng tới quyết định của Solomon. Fika cáo buộc Đài Loan tìm cách thao túng tiến trình và tiết lộ về khoản hối lộ từ Đài Loan nhằm giữ nguyên hiện trạng, thay vì chuyển mối quan hệ sang Trung Quốc.

“Đài Loan muốn hối lộ tôi. Họ muốn đưa cho tôi 1 triệu USD để bỏ phiếu cho Đài Loan, và sau khi chúng tôi bỏ phiếu cho Đài Loan, chúng tôi sẽ nhận thêm 1 triệu USD nữa vào tài khoản. Nhưng điều đó không có tác dụng, vì chúng tôi sẽ không làm như vậy, chúng tôi muốn làm điều đúng đắn, không phải vì lợi ích của chúng tôi, mà vì lợi ích của đất nước cũng như các cử tri”, Fika cho biết thêm.

Trong thông báo gửi Guardian, Đài Loan bác bỏ cáo buộc trên.

“Trong bất kỳ trường hợp nào, Đài Loan sẽ không bao giờ bước vào cuộc chiến ngoại giao đô la tồi tệ với Trung Quốc, số tiền mà phần lớn sẽ đổ vào túi của các chính trị gia tham nhũng”, Joanne Ou, một phát ngôn viên của cơ quan đối ngoại Đài Loan, tuyên bố.

Kể từ khi Solomon chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào tháng 9, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Bắc Kinh hồi tháng 10. Trong chuyến thăm, hai nước đã ký thỏa thuận cùng hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cùng với các thỏa thuận về kinh tế và giáo dục.

Trung Quốc đã đồng ý rót vốn vào một quỹ phát triển của quốc đảo Solomon. Đề xuất này của Trung Quốc thay thế cho một quỹ tương tự do Đài Loan thực hiện ở Solomon. Đài Loan trước đó đã cam kết cung cấp 8,5 triệu USD thông qua một quỹ cho Solomon trong khoảng thời gian từ năm 2019 - 2020.

Chỉ có hơn 600.000 dân, Solomon trông cậy chủ yếu vào các khoản hỗ trợ từ nước ngoài. Nguồn thu ngân sách của quốc đảo này bị hạn chế, chủ yếu tập trung vào xuất khẩu gỗ.

Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một tỉnh không thể tách rời. Do vậy, Bắc Kinh vẫn tìm cách gây sức ép với Đài Loan bằng cách thuyết phục các đồng minh của hòn đảo này chuyển quan hệ ngoại giao sang chính quyền Trung Quốc, đặc biệt từ khi nhà lãnh đạo có xu hướng độc lập Thái Anh Văn lên nắm quyền tại Đài Loan từ năm 2016.

Thành Đạt

Theo Guardian, SCMP