1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc đưa tên lửa Hongqi-9 ra Hoàng Sa nhằm mục đích gì?

Phải chăng Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không Hongqi-9 ra đảo Phú Lâm ở Biển Đông chỉ là để tăng cường hiện diện quân sự tại đây?

Theo Business Insider, Trung Quốc đã đặt 2 hệ thống bao gồm 8 tên lửa Hongqi-9 lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.


Hệ thống tên lửa Hongqi-9 mà Trung Quốc vừa đưa ra đảo Phú Lâm. Ảnh Reuters

Hệ thống tên lửa Hongqi-9 mà Trung Quốc vừa đưa ra đảo Phú Lâm. Ảnh Reuters

Kiểm soát các đảo mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền

Dù đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa các trang thiết bị vũ khí lên các đảo mà nước này ngang nhiên công bố chủ quyền ở Biển Đông, các chuyên gia nhận định, việc đưa Hongqi-9 ra đảo Phú Lâm cùng với việc Trung Quốc ngày càng tỏ ra hiếu chiến trong khu vực có thể khiến cục diện hiện nay ở Biển Đông thay đổi nhiều.

Ông Neil Ashdown của tạp chí Intelligence Review nhận định: “những phân tích của chúng tôi dựa trên các hình ảnh được công bố cho thấy, Trung Quốc đã điều hệ thống tên lửa SAM thế hệ thứ 4 [ám chỉ Hongqi-9] ra Biển Đông.

Điều này cho thấy một sự leo thang quân sự rất đáng lo ngại trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc gần đây đã tăng cường tần suất các chuyến bay quân sự đến các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc đưa Hongqi-9 đến đảo Phú Lâm không khiến Mỹ và các nước khác lo ngại bằng việc nước này điều các hệ thống tên lửa bao gồm tên lửa đối hạm loại YJ”.

Mặc dù vậy, động thái này của Trung Quốc được cho là nhằm khiến Mỹ và các nước trong khu vực nhận ra rằng, Trung Quốc thực sự muốn củng cố yêu sách chủ quyền của nước này trong khu vực cũng như ý định “chiếm toàn quyền kiểm soát” các đảo mà nước này đã tuyên bố chủ quyền.


Hình ảnh Phú Lâm và các công trình mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại đây. Ảnh AFP

Hình ảnh Phú Lâm và các công trình mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại đây. Ảnh AFP

“Đảo Phú Lâm đang bị biến thành một tiền đồn của Trung Quốc”, ông Richard Bitzinger, một chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Đại học S. Rajaratnam chia sẻ với tờ GlobalPost: “Họ đang muốn biến chúng thành một căn cứ quân sự thực sự”.

Cũng theo ông Bitzinger, việc điều tên lửa Hongqi-9 ra đảo Phú Lâm chính là cách Trung Quốc thể hiện điều này bởi Hongqi-9 hiện là loại vũ khí hiện đại nhất của nước này.

Hongqi-9: Phiên bản “lai” từ S-300 của Nga và Patriot của Mỹ

Theo các chuyên gia quân sự, Hongqi-9 được chế tạo dựa trên các hệ thống tên lửa trong nước của Trung Quốc cùng với các công nghệ mà Trung Quốc “tiếp nhận” được từ hệ thống tên lửa S-300 của Nga và Patriot của Mỹ.

Báo cáo mang tên Missile Threat [tạm dịch là Mối đe dọa từ Tên lửa- ND] của Viện nghiên cứu George C. Marshall & Claremont cho biết, điều này cho phép Hongqi-9 có thể theo dõi, khóa mục tiêu và đánh chặn cả máy bay và tên lửa của đối phương bởi Hongqi-9 sử dụng phiên bản đã được chỉnh sửa từ hệ thống dẫn đường của tên lửa Patriot.

Mỗi quả tên lửa Hongqi-9 có trọng lượng 2 tấn và chiều dài 6,8m. Tên lửa này mang đầu đạn nặng 180kg và đạt tốc độ tối đa Mach 4,2 (tương đương 5.145km/h).

Tuy nhiên, hạn chế của Hongqi-9 chính là việc tên lửa này có kích thước quá lớn do Trung Quốc còn thiếu kinh nghiệm phát triển nhiên liệu rắn. Ngoài ra, khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Hongqi-9 còn rất giới hạn dù Trung Quốc đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Nga.

Ông Peter Goon thuộc Trung tâm Nghiên cứu Air Power Australia, nhận định: “Hongqi-9 chủ yếu nhằm để tiêu diệt máy bay đối phương”.

Loại tên lửa này có tầm hoạt động khoảng 230km, đủ để bảo vệ cho mọi hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam. Như vậy, đảo Hải Nam- cách đảo Phú Lâm hơn 300km, sẽ nhanh chóng đóng một vai trò quan trọng đối với quân đội Trung Quốc trong khu vực.

Theo tờ New York Times, Trung Quốc hiện đang tăng cường sự hiện diện Hải quân tại thành phố Tam Á thuộc quần đảo Hải Nam và tên lửa Hongqi-9 được đưa ra đảo Phú Lâm để bảo vệ lực lượng nói trên.

Âm mưu thâm hiểm biến Biển Đông thành “ao nhà”?

Quyết định đưa hệ thống tên lửa Hongqi-9 đến đảo Phú Lâm được Trung Quốc đưa ra sau khi nước này khẳng định với phía Mỹ rằng, Trung Quốc không có ý định quân sự hóa tình hình Biển Đông.

Trung Quốc đã ngang nhiên coi quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của mình (dù không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy điều này) và tuyên bố việc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm là “hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế”.


Đồ họa bên trái: Các đảo và bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, trong đó những đảo có dấu tròn đỏ đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đồ họa bên phải: Đảo Phú Lâm (Woody Island) nơi Trung Quốc đưa tên lửa Hongqi-9 đến và vòng tròn màu xanh có ghi bán kính 200km là tầm hoạt động của loại tên lửa này. Đồ họa Reuters

Đồ họa bên trái: Các đảo và bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, trong đó những đảo có dấu tròn đỏ đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đồ họa bên phải: Đảo Phú Lâm (Woody Island) nơi Trung Quốc đưa tên lửa Hongqi-9 đến và vòng tròn màu xanh có ghi bán kính 200km là tầm hoạt động của loại tên lửa này. Đồ họa Reuters

“Chúng tôi đang nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng trong cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và phương Tây. Chính vì vậy, không có gì khó hiểu nếu Trung Quốc đưa các hệ thống tên lửa ra Biển Đông”, ông Goon nói: “Từ trước đến nay, họ luôn coi Biển Đông là “ao nhà” của mình”.

Quan điểm của ông Goon cũng được thể hiện rõ trong một báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) trong đó cảnh báo, đến năm 2030, Biển Đông nhiều khả năng sẽ biến thành “một cái hồ của Trung Quốc” nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trung mua sắm và đóng thêm nhiều tàu ngầm và tàu sân bay cũng như tiếp tục thực hiện việc quân sự hóa các đảo tại đây.

Theo Trần Khánh

VOV